Để đầu tư một cổ phiếu ngành ngân hàng thì nhà đầu tư cần quan tâm đến 3 vấn đề cốt lõi: (1) Tăng trưởng lợi nhuận, (2) Quản trị rủi ro, (3) Quy định pháp luật và xếp hạng tín nhiệm về ngân hàng. Dựa vào 3 tiêu chí trên, mình phân loại chúng thành 4 nhân tố chính để đánh giá một ngành ngân hàng.
Đọc thêm: Chỉ số tài chính quan trọng khi phân tích ngành Ngân hàng
Nhân tố 1: Mô hình kinh doanh
Trước hết, câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là hoạt động kinh doanh hiện tại của ngân hàng như thế nào? Theo đó, khoản mục "cho vay khách hàng" ở bảng CĐKT và thuyết minh là yếu tố quan trọng nhất khi nhà đầu tư tìm hiểu về hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.
Tỷ trọng phân bổ các khoản cho vay
Nhà đầu tư nên chú trọng vào những khoản vay liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh/dịch vụ, tiện ích có tài sản đảm bảo hơn là những khoản vay tín chấp hoặc bất động sản đầy rủi ro. Hơn nữa, nhìn vào cơ cấu khách hàng cho vay, nhà đầu tư cũng có thể nắm bắt được chiến lược bán lẻ hay bán sỉ của từng ngân hàng.
Ví dụ: VCB tập trung vào tỷ trọng cho vay ngành công nghiếp chế biến chế tạo và Dịch vụ. Trong khi TCB tập trung vào hoạt động cho vay bất động sản. Nhìn vào cơ cấu cho vay của 2 ngân hàng này ta có thể xác định được TCB hoạt động cho vay rủi ro hơn VCB.


Sự ổn định của doanh thu và lợi nhuận
Nhà đầu tư cần theo dõi xu hướng doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng xem có tăng trưởng ổn định/có chịu tác động mạnh của suy thoái/có đang dần mất thị phần hay không. Nếu loại trừ các ngân hàng gặp vấn đề về các đại án pháp lý, hầu hết các ngân hàng trên sàn đều có lịch sử khá tốt trong những năm gần đây
Tỷ trọng thu nhập lãi và lợi nhuận từ dịch vụ khác
Với môi trường lãi suất chịu nhiều sức ép, những ngân hàng có tỷ trọng doanh thu lớn từ hoạt động dịch vụ (bán chéo, ngoại hối, tư vấn, ngân hàng đầu tư, bảo lãnh L/C, ...) từ 10% tổng lợi nhuận trở lên – như trường hợp của Vietcombank – sẽ chịu ít rủi ro trực tiếp từ lãi suất và có khả năng gia tăng thu nhập tốt hơn.
Nhân tố 2: Hiệu quả sinh lời
Sau khi hiểu về mô hình kinh doanh của ngân hàng, bạn cần đánh giá được suất sinh lời của cổ phiếu đó để biết được ngân hàng đó thuộc nhóm tăng trưởng, ổn định hay đang suy giảm. Thông thường NIM của ngành ngân hàng thường dao động trong khoảng từ 2-4%. Do đó, những ngân hàng có NIM ổn định và cao hơn mức trung bình này thì xu hướng tăng trưởng càng tốt. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ngân hàng có khách hàng chủ yếu là cho vay tiêu dùng, bất động sản thì NIM sẽ cao hơn so với mặt bằng chung. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số chỉ tiêu khác như ROE, OPEX,...

Nhân tố 3: Quản trị rủi ro
Khả năng quản trị rủi ro của một ngân hàng là yếu tố bạn cần phải quan tâm hàng đầu khi phân tích ngành ngân hàng.

Chỉ tiêu LLR > 100%: Là chỉ số Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng/Nợ xấu. Tỷ lệ này càng cao và ít biến động thể hiện chất lượng tài sản ngân hàng càng tốt. Thông thường, NHTM Nhà nước và Lớn có chiến lược thận trọng, "bộ đệm" dự phòng rủi ro luôn được duy trì ở mức cao hơn nhiều so với quy định, tỷ lệ LLR thường lên đến 150% - 400%. Đối với ngân hàng có tỷ lệ LLR ở mức trên 100%, cho thấy một ngân hàng đang có số tiền dự phòng rủi ro lớn hơn so với số nợ xấu phải đối mặt. Điều này phản ánh khả năng phòng thủ trước khoản nợ khó thu hồi và thể hiện sức khỏe tài chính của một nhà băng. Với những ngân hàng có tỷ lệ LLR ở mức cao, việc giảm trích lập dự phòng để duy trì tăng trưởng lợi nhuận vẫn có thể đảm bảo sức khỏe tài chính. Tuy nhiên, với những ngân hàng đã giảm tỷ lệ LLR xuống dưới mốc 100% (tức số dư nợ xấu đang lớn hơn quỹ trích lập dự phòng) thì biện pháp giữ nhịp lợi nhuận này cũng đặt ra dấu hỏi lớn về tính bền vững cũng như khả năng chống chịu rủi ro trong thời gian tới
LDR < 100%: LDR là chỉ số giữa cho vay khách hàng/tiền gửi khách hàng. Tỷ lệ này càng thấp và ít biến động thì thanh khoản ngân hàng càng cao
Ngoài ra, bạn tham khảo thêm một số chỉ tiêu khác như: NPL, Tỷ lệ đòn bẩy,...
Nhân tố 4: Định giá ngân hàng
Sau khi phân tích tất tần tật về ngân hàng thì câu hỏi cuối cùng mà chúng ta cần trả lời là "Định giá bao nhiêu là phù hợp". Trên thực tế, có rất nhiều phương pháp để định giá ngân hàng như DCF, PE, PB,... Tuy nhiên, đối với ngành ngân hàng, phương pháp định giá P/B luôn là phương pháp định giá phù hợp và hiệu quả nhất.

Hiện nay, mức P/B trung bình ngành ngân hàng là 1,5 lần , mình đề xuất mức định giá của ngân hàng dựa trên 3 nhóm như sau:
NHTM Nhà nước: Đây là nhóm ngân hàng có suất sinh lời cao và ổn định, tài sản chất lượng cao, quản trị rủi ro tốt. Vì vậy, mức định giá P/B của nhóm này sẽ sao hơn 10-20% so với mức định giá trung bình ngành.
NHTM Lớn: Đây là nhóm ngân hàng có dư địa tăng trưởng suất sinh lời cao nhất. Bạn có thể hoàn toàn trả với mức định giá 1,5 < P/B < 2 lần nếu nhóm này đang ở đầu chu kỳ ngành. Tuy nhiên, khi đầu tư vào nhóm này, bạn cần chú ý đến tiềm ẩn rủi ro rất lớn là chính sách quản trị rủi ro chưa được kiểm chứng qua nhiều chu kỳ.
NHTM Khác: Chất lượng tài sản không tốt, suất sinh lời biến động mạnh, quản trị rủi ro thấp. Đối với nhóm này, đa phần là những ngân hàng có mức định giá rẻ so với thị trường. Tuy nhiên, bạn cần phải nhận thấy rằng những cổ phiếu thuộc nhóm này, chúng ta cần quan tâm về vấn đề nội tại hơn so với mức định giá rẻ của chúng.
Truy cập WiChart ngay bây giờ và trở thành nhà đầu tư thông thái với dữ liệu tài chính tin cậy.
Tham khảo khóa học Đọc hiểu và phân tích Báo cáo tài chính Ngân hàng từ WiGroup.