Giới thiệu các chỉ số tài chính

Tổng quan

Việc hiểu và sử dụng các chỉ số tài chính trong ngành bảo hiểm đóng góp một vai trò rất lớn khi nghiên cứu và phân tính. Những chỉ số này không chỉ giúp đánh giá tài chính của các công ty trong ngành mà còn hỗ trợ cho việc đầu tư thông minh và hiểu rõ chiến lược tài chính của ngành. Các chỉ số tài chính là công cụ quan trọng trong việc nhận diện được các rủi ro và thể hiện được khả năng bảo vệ tài sản của người tham gia bảo hiểm, đảm bảo tính bền vững và ổn định của hệ thống bảo hiểm.

Ý nghĩa

Việc sử dụng các chỉ số khi đánh giá ngành bảo hiểm mang một ý nghĩa rất lớn trong nhiều khía cạnh, cụ thể ở một số khía cạnh như:

  • Đánh giá tình hình tài chính: Các chỉ số tài chính giúp đánh giá tình hình tài chính của các công ty trong ngành, đảm bảo mức độ an toàn về tài chính của công ty phân tích.

  • Quản lý rủi ro: Các chỉ số này có thể phản ánh khả năng quản lý rủi ro, đặc biệt là rủi ro liên quan đến bồi thường và chi phí hoạt động.

  • Đầu tư thông minh: Nhà đầu tư dựa vào các chỉ số để đánh giá lợi nhuận và rủi ro khi đầu tư vào các công ty bảo hiểm.

  • Hiểu chiến lược tài chính: Thông qua việc phân tích các chỉ số tài chính có thể phản ánh được cách công ty quản lý tài chính và sử dụng nợ, cũng như chiến lược tái bảo hiểm.

Chỉ số tài chính quan trọng trong ngành Bảo hiểm

Một số chỉ số tài chính quan trọng khi phân tích ngành Bảo hiểm bao gồm:

  • Tỷ lệ chi phí kết hợp (Combine ratio)

  • Tỷ lệ tổn thất (Loss Ratio)

  • Tỷ lệ chi phí vận hành (Expense Ratio)

  • Tỷ trọng của tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn

  • Tỷ trọng nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp và chính phủ

  • Tăng trưởng doanh số

  • Khả năng sinh lợi trên vốn cổ đông (ROE)

  • Tỷ lệ nợ vay (Debt-to-Equity Ratio)

  • Dự phòng nghiệp vụ: Dự phòng nghiệp vụ / Doanh thu phí bảo hiểm

Chỉ số tài chính quan trọng trong ngành Bảo hiểm - WiChart

Một số chỉ số tài chính của Công ty Bảo hiểm

Tỷ lệ chi phí kết hợp (Combine ratio)

Tỷ lệ chi phí kết hợp=((Tổng chi phí bồi thường + Chi phí vận hành))/(Doanh thu phí bảo hiểm)

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đánh giá khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm của công ty. Theo đó, nếu tỷ lệ dưới 100%, công ty đang tạo ra lợi nhuận từ hoạt động bảo hiểm. Ngược lại thì công ty có thể đáng phải gánh thêm chi phí để duy trì hoạt động. Bằng cách kết hợp tỷ lệ tổn thất (Loss Ratio) và tỷ lệ chi phí vận hành (Expense Ratio), Combined Ratio giúp cho người phân tích có thể tách biệt và phân tích các khoản chi phí bồi thường và chi phí vận hành và khi đó có thể giúp dự báo được tình trạng tài chính của công ty trong tương lai.

Tỷ lệ tổn thất (Loss Ratio)

Tỷ lệ tổn thất = Tổng chi phí tiền bồi thường/Doanh thu phí bảo hiểm

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đánh giá khả năng của công ty trong việc dự đoán và quản lý rủi ro. Mức tỷ lệ thấp hơn cho thấy khả năng của công ty trong việc dự đoán chính xác rủi ro và đưa ra các kế hoạch đồng thời giảm thiểu các khoản bồi thường.  Bên cạnh đó, với chỉ số tỷ lệ tổn thất có thể chỉ ra chất lượng của sản phẩm bảo hiểm. Theo đó, tỷ lệ cao có thể tượng trưng cho việc sản phẩm không cung cấp bảo vệ tốt hoặc định giá không chính xác.

Tỷ lệ chi phí vận hành (Expense Ratio)

Tỷ lệ chi phí vận hành =(Tổng chi phí vận hành)/(Doanh thu phí bảo hiểm)

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đánh giá được khả năng quản lý hoặc vận hành của công ty bảo hiểm. Theo đó, nếu tỷ lệ chi phí vận hành ở mức cao có thể cho thấy công ty cần cải thiện việc quản lý chi phí để gia tăng lợi nhuận. Ngược lại, nếu chi phí vận hành thấp hơn sẽ giúp cho công ty có thể thực hiện các chiến lược cạnh tranh về giá để thu hút người dùng so với các đối thủ.

Tỷ trọng của tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi

Tỷ trọng của tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi = Tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi (Ngắn hạn hoặc dài hạn)/Tổng các khoản đầu tư tài chính không tính dự phòng

Ý nghĩa:  Chỉ số này là phần trăm của tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi trong ngắn hạn (hoặc dài hạn) trong danh mục đầu tư của công ty. Cụ thể hơn, chỉ số này phản ánh được mức độ bảo đảm thanh khoản và tỷ trọng danh mục đầu tư của công ty. Qua đó, có thể dự báo được khả năng quản lý rủi ro trong các tình huống khẩn cấp.

Tỷ trọng nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp (hoặc Chính phủ)

Tỷ trọng nắm giữ các trái phiếu doanh nghiệp = Trái phiếu doanh nghiệp (Ngắn hạn hoặc dài hạn)/(Tổng các khoản đầu tư tài chính không tính dự phòng)

Tỷ trọng nắm giữ các trái phiếu chính phủ = Trái phiếu Chính phủ (Ngắn hạn hoặc dài hạn)/Tổng các khoản đầu tư tài chính không tính dự phòng

Ý nghĩa: 2 chỉ số này phản ánh phần trăm tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu trong danh mục của công ty. Cụ thể hơn, 2 chỉ số này phản ánh được chiến lược đầu tư của công ty, đồng thời, 2 chỉ số này cũng có thể được sử dụng để dự báo cho mức độ rủi ro và khả năng đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Tăng trưởng doanh số

Tăng trưởng doanh số =((Doanh số bảo hiểm cuối kỳ - Doanh số bảo hiểm đầu kỳ)/Doanh số bảo hiểm đầu kỳ) x 100%

Ý nghĩa: Đây là một chỉ số tài chính cơ bản của công ty giúp đo lường tốc độ tăng trưởng doanh số bảo hiểm và qua đó thể hiện khả năng phát triển của công ty. Theo đó, mức tăng trưởng doanh số này được giữ ở mức cao thường là dấu hiệu cho thấy hiệu quả đến từ các chiến lược cạnh tranh của công ty. Điều này giúp thu hút được các nhà đầu tư và cổ đông trong việc đánh giá tiềm năng và triển vọng của công ty.

Khả năng sinh lợi trên vốn cổ đông (ROE)

ROE = Lợi nhuận thuần/Tổng vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đo lường  lợi nhuận mà công ty tạo ra từ vốn cổ phần. Bên cạnh đó, chỉ số này có thể sử dụng để so sánh giữa các công ty trong cùng ngành hoặc mức bình ngành để đánh giá được hiệu suất của công ty phân tích so với các đối thủ. Ngoài ra việc, chỉ số này cũng có thể phản ánh được chất lượng quản lý của công ty, với một ROE neo ở mức cao so với trung bình ngành hoặc tăng liên tục qua các năm cho thấy công ty đang tận dụng tốt nguồn vốn và quản lý hoạt động kinh doanh hiệu quả (trong điều kiện tỷ trọng cơ cấu vốn qua các năm không thay đổi quá nhiều).

Tỷ lệ nợ vay (Debt-to-Equity Ratio)

Tỷ lệ nợ vay = Tổng nợ/Tổng vốn chủ sở hữu

Ý nghĩa: Đây là một chỉ số quan trọng trong việc đánh giá cấu trúc tài chính và khả năng quản lý rủi ro của công ty. Việc quản lý rủi ro và cơ cấu tài chính hiệu quả của công ty có thể ảnh hưởng rất lớn đến các tiềm năng tăng trưởng, chi phí vay và sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Tỷ trọng dự phòng nghiệp vụ

Tỷ trọng dự phòng nghiệp vụ = Tổng dự phòng nghiệp vụ/Doanh thu phí bảo hiểm

Ý nghĩa: Chỉ số này giúp đo lường mức độ dự phòng mà công ty tạo ra để chi trả cho các khoản bồi thường trong tương lai. Cụ thể hơn, chỉ số này phản ánh mức tỷ lệ dự trữ tiền mà công ty bảo hiểm cần tạo ra để đáp ứng các khoản bồi thường tương lai dự kiến từ các hợp đồng bảo hiểm. Nếu tỷ lệ dự trữ quá ít có thể tạo ra rủi ro tài chính, trong khi dự trữ quá nhiều có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận. Do đó, việc cân bằng và giữ ở một mức độ hợp lý sẽ mang lại hiệu quả tốt trong kinh doanh cho công ty.

Kết luận

Tóm lại, có thể thấy răng các chỉ số tài chính ở trên đều đóng một vai trò rất quan trọng trong việc đánh giá sức khỏe tài chính và hiệu suất kinh doanh của công ty Bảo hiểm. Việc sử dụng các chỉ số này một cách linh hoạt sẽ giúp các nhà phân tích đo lường được sự quản lý rủi ro, hiệu quả trong quản lý chi phí, khả năng tạo lợi nhuận và tình hình tài chính của các công ty bảo hiểm. Còn đối với nhà quản lý, việc xem xét kỹ lưỡng và cân đối giữa các chỉ số này là chìa khóa quan trọng để đảm bảo sự bền vững và thành công trong ngành Bảo hiểm.