Lạm phát là hiện tượng tăng mức giá chung của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian, dẫn đến sự mất giá trị của 1 loại tiền tệ nào đó. Hiện tượng này nền kinh tế nào cũng đều phải đối mặt trong 1 lúc nào đó. Ở đâu có sản xuất hàng hoá, tồn tại những điều kiện, mối quan hệ hàng hoá và tiền tệ thì sẽ tồn tại lạm phát. Bởi vậy, đây là vấn đề thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội. Tuy nhiên thì không phải lúc nào lạm phát cũng gây ra ảnh hưởng tiêu cực, và lạm phát cũng không giống nhau ở mọi quốc gia. Trong bài chúng ta sẽ tìm hiểu về các loại lạm phát, nguyên nhân cũng như ảnh hưởng của lạm phát tới nền kinh tế.

Các loại lạm phát

Lạm phát tự nhiên: Tỷ lệ từ 3 - 10%/ năm

Đây là lạm phát an toàn, không ảnh hưởng đến kinh tế cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân mấy. Trong thực tế, các quốc gia kỳ vọng lạm phát chỉ xảy ra khoảng 5% trở xuống. Vậy nên khi lạm phát ở mức này thì kinh tế vẫn hoạt động bình thường, ít rủi ro với cuộc sống nhân dân.

Hiện nay, Việt Nam đang có mức lạm phát trong khoảng lạm phát tự nhiên, Việt Nam là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát cao toàn cầu. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở mức 3,21%, Việt Nam nằm trong số ít những quốc gia có mức lạm phát trung bình 4-6%.

Lạm phát phi mã: Tỷ lệ từ 10 - 1.000%/năm

Đây là mức độ gây ảnh hưởng nghiêm trọng, càng lớn càng ảnh hưởng nhiều. Cụ thể, giá cả tăng lên nhanh chóng và bất thường, dẫn tới sự biến động mạnh của nền kinh tế.

Khi xảy ra lạm phát phi mã, người dân có xu hướng tích trữ hàng hóa, mua vàng bạc, kinh doanh bất động sản vì lo sợ giá tăng.

Ở Việt Nam, khi cải cách chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường từng xảy ra tình trạng lạm phát này vào những năm 1986-1988, từ 300%-800%/năm.

Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã được ghi nhận là người có công lớn trong việc chỉ đạo, điều hành kiềm chế và đẩy lùi lạm phát. Ông đã làm bằng cách tập trung khắc phục mất cân đối cung cầu hàng hóa bằng cách đẩy mạnh sản xuất trong nước. Giá hàng trong nước được nâng lên sát giá thị trường. Đối với xuất nhập khẩu và ngoại tệ, ông thực hiện chính sách ngân sách không trợ cấp xuất khẩu, không bù lỗ nhập khẩu; khuyến khích kiều bào ở nước ngoài gửi kiều hối về nước. Việc ngoại tệ đổ về nước là để cân bằng tỷ giá ngoại tệ, ổn định đồng nội tệ. Kết quả là lạm phát bị chặn đứng, mà không gây xáo trộn kinh tế, chính trị, xã hội.

Siêu lạm phát: Tỷ lệ trên 1.000%/năm

Với mức độ lạm phát tăng cao hơn nhiều so với mức độ lạm phát phi mã, siêu lạm phát sẽ gây ra 1 cơn khủng hoảng tới nền kinh tế và cuộc sống người dân. Giá thị trường tăng đột biến và đồng tiền bị phá giá, khó có thể phục hồi về tình trạng ban đầu. Siêu lạm phát chính là tên gọi chung cho tình trạng khi giá thị trường đã tăng hơn 50% mỗi tháng trong một tháng. Mức tăng của giá cả trong tình hình siêu lạm phát sẽ được tính theo ngày và mỗi ngày có thể tăng từ 5 đến 10%. Được đánh giá là một tình trạng hiếm gặp đối với các quốc gia phát triển tuy nhiên lịch sử các nước lớn như Trung Quốc, Đức, Nga, Hungary và Argentina đã ghi nhận rất nhiều các giai đoạn siêu lạm phát xảy ra.

Một trường hợp siêu lạm phát gần đây là Zimbabwe. Với mức siêu lạm phát, người dân quyết không dùng nội tệ ngay cả khi tiền có mệnh giá đến 100.000 tỉ. Điều này là bởi vì đồng tiền đã rớt giá kinh khủng và người dân đã mất niềm tin vào chính phủ. Họ đặt niềm tin vào khu vực tư nhân, và khu vực này bắt đầu tìm những cách khác nhau để giao dịch với khách khi mà không đủ nguồn cung ngoại tệ, cụ thể là USD. Có thể là các đơn vị kinh doanh trả lại tiền thừa bằng phiếu giảm giá, hay ghi nợ. Nhưng tuyệt đối không phải là đồng Zimbabwe, và điều này lại càng làm tình huống tồi tệ hơn cho quốc gia này.

Nguyên nhân và ảnh hưởng

Hiệu ứng cầu kéo dài

Khi nhu cầu thị trường về 1 mặt hàng nào đó tăng lên thì sẽ khiến giá cả của mặt hàng đó tăng theo. Các mặt hàng liên quan khác cũng sẽ tăng giá theo. Điều này chỉ xảy ra khi nhu cầu trở nên lớn hơn nguồn cung. Lạm phát do sự tăng lên về cầu (nhu cầu tiêu dùng của thị trường tăng) được gọi là “lạm phát do cầu kéo”.

Ở Việt Nam, giá xăng tăng lên kéo theo giá cước taxi tăng lên, giá thịt lợn tăng, giá nông sản tăng.... là một ví dụ điển hình.

Hiệu ứng chi phí đẩy

Đây là trường hợp lạm phát xảy ra do sự gia tăng giá cả của các yếu tố đầu vào cần thiết trong quá trình sản xuất. Khi giá cả của một hoặc vài yếu tố này tăng lên thì tổng chi phí sản xuất của các xí nghiệp cũng tăng lên, vì thế mà giá thành sản phẩm cũng sẽ tăng lên nhằm bảo toàn lợi nhuận.

Lạm phát tích hợp

Khi hàng hóa hay dịch vụ lên giá, mọi người kỳ vọng rằng mức giá ấy sẽ tiếp tục tăng trong tương lai với tốc độ tương tự như vậy.

Lúc này, mọi người cũng sẽ yêu cầu, đề nghị thêm chi phí hay tiền lương để duy trì mức sống phù hợp của mình. Tuy nhiên, tiền lương tăng đồng nghĩa việc các chi phí hàng hoá tiêu dùng, sinh hoạt hằng ngày cũng sẽ tăng lên, cứ thế hai yếu tố này sẽ tác động qua lại lẫn nhau.

Điều này cũng giống như hiệu ứng Domino vậy, kỳ vọng của người dân cho sự tăng giá tương tác qua lại như vậy sẽ vô hình chung dẫn tới lạm phát.

Truy cập WiChart ngay bây giờ và trở thành nhà đầu tư thông thái với dữ liệu tài chính tin cậy.