Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng phức tạp và biến đổi không ngừng, chính sách tài khóa đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, tính hiệu quả của chính sách tài khóa không chỉ phụ thuộc vào các quyết định và hành động cụ thể của Chính phủ mà còn chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá và phân tích các yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tài khóa, từ đó có được cái nhìn toàn diện và khách quan nhất về chính sách kinh tế vĩ mô này.

Cấu trúc thuế 

Thuế là một trong những nguồn thu chủ yếu và lâu dài của ngân sách quốc gia, vì thế một cấu trúc thuế phù hợp không chỉ giúp đảm bảo sự phân bố ổn định của nguồn lực kinh tế mà còn đảm bảo tính công bằng và khả năng chịu đựng của người nộp thuế. 

Cấu trúc thuế có thể ảnh hưởng đến tổng thu ngân sách của Chính phủ. Các loại thuế khác nhau có thể mang lại mức thu ngân sách khác nhau. Ví dụ, thuế thu nhập doanh nghiệp thường mang lại nhiều thu ngân sách hơn thuế thu nhập cá nhân. Do đó, cấu trúc thuế có thể ảnh hưởng đến khả năng của chính phủ trong việc sử dụng chính sách tài khóa để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô

Ngoài ra, cấu trúc thuế còn có tác động đến phân phối thu nhập và phúc lợi xã hội cũng như hiệu quả của nền kinh tế. Ví dụ trong thời kỳ suy thoái, Chính phủ có thể áp dụng chính sách tài khóa mở rộng như giảm thuế nhằm kích thích nền kinh tế, tuy nhiên loại thuế được giảm có thể ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả của chính sách. Việc giảm thuế thu nhập cá nhân có thể giúp kích thích tiêu dùng, trong khi đó giảm thuế doanh nghiệp có thể giúp thúc đẩy đầu tư. 

Cấu trúc thu ngân sách nhà nước

Tình hình kinh tế vĩ mô

Các yếu tố kinh tế vĩ mô như tốc độ tăng trưởng GDP, lạm phát và thất nghiệp hay cán cân thương mại không chỉ phản ánh trạng thái hiện tại của nền kinh tế mà còn ảnh hưởng đến cách thức vận hành và hiệu quả của chính sách tài khóa. Ví dụ, trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế, chính sách tài khóa thường tập trung vào việc kiểm soát lạm phát và giảm thâm hụt ngân sách.

Trong bối cảnh này, tăng thuế hoặc giảm chi tiêu công có thể được sử dụng để làm chậm nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, nếu tăng thuế quá mức hoặc cắt giảm chi tiêu quá sâu có thể gây ra tình trạng suy thoái, làm giảm hiệu quả của chính sách.

Không chỉ thế, tình hình thất nghiệp cũng phần nào yêu cầu Chính phủ phải có những chính sách tài khóa linh hoạt và phù hợp với bối cảnh. Cụ thể, trong một nền kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp cao, Chính phủ thường áp dụng chính sách tài khóa mở rộng nhằm tạo thêm nhiều việc làm và kích thích tăng trưởng.

Việc này có thể bao gồm tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế để tăng cường tiêu dùng và đầu tư. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng việc tăng chi tiêu có thể đi kèm với tăng thâm hụt ngân sách và nợ công. Vì thế Chính phủ cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh tình trạng nợ công gia tăng không kiểm soát.

Ngoài ra, nếu tình trạng thất nghiệp xảy ra chủ yếu do cấu trúc (Structural unemployment), chính sách tài khóa có thể không hiệu quả mà cần phải có sự kết hợp với chính sách giáo dục và đào tạo lao động.

Mục tiêu của chính sách đối với nền kinh tế

Mục tiêu của chính sách đối với nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tính hiệu quả của chính sách tài khóa. Mỗi mục tiêu chính sách mang lại những yêu cầu và thách thức khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến cách thức triển khai và kết quả cuối cùng của chính sách tài khóa.

Một số mục tiêu cơ bản của chính sách tài khóa bao gồm: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tình trạng lạm phát, giảm tỉ lệ thất nghiệp, cân đối ngân sách nhà nước và giảm nợ công. Không chỉ thế, mục tiêu của chính sách còn ảnh hưởng đến thời điểm và cường độ của chính sách tài khóa. Ví dụ, nếu mục tiêu của chính sách là giảm thất nghiệp.

Chính phủ có thể sử dụng chính sách tài khóa mở rộng ngay lập tức để kích thích nền kinh tế. Ngược lại, nếu mục tiêu của chính sách là giảm nợ công, Chính phủ có thể cân nhắc sử dụng chính sách tài khóa thắt chặt dần dần trong thời gian dài.

Kích thước và phạm vi của chính sách

Kích thước của chính sách tài khóa được đo lường thông qua mức độ của sự thay đổi trong thuế và chi tiêu Chính phủ, trong khi đó phạm vi chính sách có liên quan tới các lĩnh vực kinh tế mà chính sách nhắm đến. Cả hai yếu tố này cũng góp phần ảnh hưởng đến quyết định sử dụng chính sách tài khóa của Chính phủ và hiệu quả của nó.

Cụ thể, Chính phủ có thể áp dụng chính sách tài khóa nhắm đến các lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, hoặc giảm thuế cho các nhóm thu nhập cụ thể. Sự chọn lọc trong phạm vi có thể giúp chính sách tài khóa đạt được mục tiêu cụ thể một cách hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nếu phạm vi quá hẹp, chính sách có thể bỏ qua một số vấn đề quan trọng hoặc không đạt được tác động toàn diện trong nền kinh tế. Tương tự đối với kích thước của chính sách, một chính sách có kích thước quá nhỏ có thể không đủ mạnh để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoặc đối phó với các vấn đề kinh tế lớn, trong khi một chính sách có kích thước quá lớn có thể dẫn đến những tác động không mong muốn đối với nền kinh tế.

Có thể nói, hiệu quả của chính sách tài khóa không phải là kết quả của một yếu tố đơn lẻ mà là sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, mỗi yếu tố đều đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình và quyết định tính thành công của chính sách.

Vì thế, sự hiểu biết sâu sắc và khả năng phản ứng linh hoạt đối với những yếu tố này là chìa khóa để phát triển và sử dụng các chính sách tài khóa một cách hiệu quả, phù hợp với nhu cầu và bối cảnh kinh tế cụ thể.

Khám phá các chỉ số kinh tế, dữ liệu tài chính quan trọng và thông tin chi tiết về thị trường tài chính trên WiChart. Đừng quên tham gia các khóa học tài chính từ WiGroup nhé.