Phân tích cơ cấu nguồn vốn là một phần công việc không thể thiếu đối với các nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà phân tích tài chính. Vậy việc phân tích cơ cấu nguồn vốn đóng vai trò như thế nào trong quá trình tỉm hiểu về một doanh nghiệp? Cách thức phân tích cơ cấu nguồn vốn ra sao? Hãy cùng WiGroup tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

Giới thiệu chung

Khái niệm cơ cấu nguồn vốn

Để tiến hành hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải xác định nhu cầu đầu tư, tiến hành tạo lập, tìm kiếm, tổ chức và huy động vốn. Cơ cấu nguồn vốn là tỉ trọng giữa các nguồn vốn mà doanh nghiệp huy động và sử dụng, thường được quy về 2 nguồn chính là vốn chủ sở hữu và nợ phải trả. Nợ phải trả được chia thành nợ ngắn hạn (có thời hạn không quá 1 năm) và nợ dài hạn, có thể đến từ việc phát hành trái phiếu hoặc các khoản đi vay của doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu đến từ việc phát hành cổ phiếu hoặc đến từ lợi nhuận giữ lại của công ty. Người đọc có thể tìm thấy thông tin chi tiết về nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở bảng cân đối kế toán trong báo cáo tài chính.

Như vậy, ta có:

Tổng nguồn vốn = Tổng nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu

Cơ cấu nguồn vốn của ITA - WiChart

Tại sao cần phân tích cơ cấu nguồn vốn?

  • Đối với doanh nghiệp: Việc hiểu được cơ cấu nguồn vốn có thể giúp cho các nhà quản lý đánh giá được mức độ rủi ro tài chính mà doanh nghiệp đang phải đối mặt dựa vào sự chênh lệch giữa nợ và vốn chủ sở hữu. Từ đó, doanh nghiệp có thể đưa ra chính sách quản lý rủi ro tài chính phù hợp và xác định được cách tối ưu hóa nguồn vốn.

  • Đối với người cho vay: Phân tích cơ cấu nguồn vốn giúp người cho vay hiểu rõ hơn về tình hình tài chính, đặc biệt là khả năng trả nợ của một doanh nghiệp. Điều này cho phép chủ nợ đưa ra quyết định về việc cho vay, mức lãi suất, thời hạn cho vay, … một cách an toàn và chính xác hơn.

  • Đối với nhà đầu tư: Nhà đầu tư có thể sử dụng thông tin về cơ cấu nguồn vốn để đánh giá mức độ rủi ro, sự ổn định và tiềm năng của một doanh nghiệp. Từ đó, họ có thể hiểu rõ hơn về hiệu suất và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp đó.

Các chỉ tiêu phân tích cơ cấu nguồn vốn

Hệ số nợ

Hệ số nợ là hệ số phản ánh số nợ phải trả trên tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Và bởi vì tổng nguồn vốn luôn bằng với tổng tài sản trong bảng cân đối kế toán, hệ số nợ cũng chính là tỉ lệ giữa tổng số nợ phải trả và tổng tài sản của doanh nghiệp. Đối với chủ nợ, hệ số này càng cao đồng nghĩa với việc khả năng thu hồi nợ của họ càng thấp, vì vậy chủ nợ thường thích các doanh nghiệp có hệ số nợ thấp hơn.

Hệ số nợ = Tổng nợ phải trả / Tổng nguồn vốn = Tổng nợ phải trả / Tổng tài sản

Hệ số nợ trên tổng tài sản của một số ngành trên WiChart

Hệ số nợ trên tổng tài sản của một số ngành trên WiChart

Hệ số vốn chủ sở hữu

Hệ số vốn chủ sở hữu thể hiện tỉ lệ của số vốn chủ sở hữu trên tổng nguồn vốn. Hệ số này càng lớn chứng tỏ tính tự chủ và khả năng tự đảm bảo về mặt tài chính của doanh nghiệp càng cao và ngược lại.

Hệ số vốn chủ sở hữu = Vốn chủ sở hữu / Tổng nguồn vốn = Vốn chủ sở hữu / Tổng tài sản

Cần nói thêm, do Tổng nguồn vốn = Tổng nợ phải trả + Vốn chủ sở hữu, chúng ta có thể xác định:

Hệ số nợ + Hệ số vốn chủ sở hữu = 1

Hệ số vốn chủ sở hữu của một số ngành trên WiChart

Hệ số vốn chủ sở hữu của một số ngành trên WiChart

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (kí hiệu D/E - Debt/Equity) là hệ số thông dụng nhất trong việc phân tích cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây là hệ số cho thấy mức độ một công ty phụ thuộc vào nguồn vốn đến từ nợ thay vì nguồn vốn đến từ vốn chủ sở hữu. Hệ số này càng lớn thì mức độ sử dụng nợ của doanh nghiệp càng nhiều và ngược lại.

Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu = Tổng nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu

Vậy liệu có tồn tại một hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tối ưu? Một người bình thường có thể cho rằng một doanh nghiệp có cơ cấu nguồn vốn tối ưu là một doanh nghiệp không có nợ và kinh doanh dựa hoàn toàn vào vốn chủ sở hữu, bởi vì khi đó doanh nghiệp gần như sẽ không phải gặp bất kì rủi ro tài chính nào. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đúng ở một thế giới nơi các doanh nghiệp không cần phải đóng thuế.

Trên thực tế, mặc dù việc vay mượn nợ có thể làm tăng rủi ro tài chính của công ty, tuy nhiên bởi vì tiền trả lãi vay cho chủ nợ sẽ được tính vào chi phí hoạt động, khoản tiền trả lãi vay này có tác dụng giảm lượng thuế doanh nghiệp phải đóng hàng kì. Việc huy động vốn thông qua vay nợ cũng cho phép các nhà quản lý giữ lại cổ phần của mình trong doanh nghiệp, khác với khi phát hành cổ phiếu.

Vì vậy, không thực sự có một tỷ lệ tối ưu cố định nào giữa tổng số nợ và vốn chủ sở hữu để các doanh nghiệp có thể áp dụng trong việc định hình cơ cấu nguồn vốn. Cơ cấu nguồn vốn có thể thay đổi tùy vào ngành công nghiệp, lĩnh vực, loại hình, quy mô kinh doanh và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên nhìn chung, các nhà đầu tư thường có xu hướng đầu tư vào các công ty có mức nợ thấp và mức vốn chủ sở hữu cao hơn.