Bài viết này tổng hợp nhóm những chỉ số tài chính quan trọng khi phân tích doanh nghiệp, bao gồm các chỉ số chung và một số ngành đặc thù.
Giới thiệu về chỉ số tài chính
Chỉ số tài chính là gì?
Chỉ số tài chính được mô tả là các con số được đo lường tính toán từ các số liệu trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có một số chỉ số tài chính có thể được lấy từ dữ liệu công khai trên thị trường của các doanh nghiệp (Ví dụ như giá cổ phiếu, số lượng cổ phiếu lưu hành tại thời điểm phân tích,...).
Một số nhóm chỉ số tài chính phổ biến
Về phân loại, các chỉ số tài chính tính toán từ dữ liệu trên báo cáo tài chính khi phân tích một doanh nghiệp chung thường được chia thành 4 nhóm phổ biến bao gồm:
Chỉ số hiệu suất hoạt động
Chỉ số hiệu quả kinh doanh
Chỉ số sức khỏe tài chính
Chỉ số về cơ cấu nguồn vốn
Và có một số chỉ số cần phải thu thập thêm dữ liệu công khai trên thị trường của doanh nghiệp là: Chỉ số thể hiện giá trị thị trường.
Bộ lọc các chỉ số tài chính doanh nghiệp trên WiChart
Các chỉ số tài chính quan trọng khi phân tích doanh nghiệp
Chỉ số hiệu suất hoạt động
Chỉ số thể hiện hiệu suất hoạt động (Asset Management Ratio) là các chỉ số được sử dụng để đánh giá khả năng và hiệu quả sử dụng tài sản của một doanh nghiệp. Qua đó, các chỉ số này cho biết số lần tài sản luân chuyển trong một kỳ nhằm tạo ra doanh thu. Chỉ số này càng cao phản ánh hiệu quả sử dụng tài sản của doanh nghiệp càng tốt.
Một số chỉ số thể hiện hiệu suất quản trị tài sản
Vòng quay Hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán/Hàng tồn kho bình quân
Vòng quay Khoản phải thu = Doanh thu thuần/Khoản phải thu bình quân
Vòng quay Khoản phải trả = Doanh thu thuần/Khoản phải trả bình quân
Vòng quay Tổng tài sản = Doanh thu thuần/Tổng tài sản bình quân
Vòng quay Tài sản cố định = Doanh thu thuần/Tài sản cố định bình quân
Vòng quay Vốn lưu động = Doanh thu thuần/Vốn lưu động bình quân
Trong đó: Giá trị bình quân = (Giá trị tại thời điểm cuối kỳ - đầu kỳ)/2
Chỉ số hiệu quả kinh doanh
Chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh là những chỉ số tài chính đo lường mức độ thu lợi nhuận hoặc sinh lời của doanh nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Qua đó, các chỉ số này càng cao phản ánh năng lực sinh lời của doanh nghiệp càng tốt.
Một số chỉ số đánh giá khả năng sinh lời
Biên Lợi nhuận ròng = Lợi nhuận ròng/Doanh thu thuần
Biên Lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/Doanh thu thuần
ROS = Lợi nhuận ròng/Doanh thu thuần
ROA = Lợi nhuận ròng/Tổng tài sản
ROE = Lợi nhuận ròng/Vốn chủ sở hữu
Trong đó: Lợi nhuận gộp = Doanh thu thuần - Giá vốn hàng bán
Chỉ số Sức khỏe tài chính
Chỉ số Sức khỏe tài chính là nhóm các chỉ số tài chính đo lường mức độ an toàn và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. Qua đó, các chỉ số này càng cao thì sức khỏe tài chính của doanh nghiệp càng tốt (hay cho thấy doanh nghiệp có đủ khả năng để thanh toán các nghĩa vụ nợ trong ngắn hạn).
Một số chỉ số đánh giá Sức khỏe tài chính
Tỷ số thanh toán hiện hành = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Tỷ số thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn
Tỷ số tiền mặt = (Tiền mặt + Tương đương tiền)/Nợ ngắn hạn
Tỷ số thanh khả năng thanh toán lãi vay (TIE) = EBIT/(Lãi vay)
Chỉ số Vay và nợ thuê tài chính / OCF = (Tổng vay và nợ thuê tài chính)/(Dòng tiền HĐKD (OCF))
Chỉ số Cơ cấu nguồn vốn
Chỉ số Cơ cấu nguồn vốn là nhóm các chỉ số tài chính phản ánh cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp, bao gồm tỷ lệ nợ và tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Nói một cách đơn giản, đây là chỉ số tài chính phản ánh cách thức doanh nghiệp huy động vốn từ các nguồn khác nhau như nợ vay, vốn chủ sở hữu. Qua đó, các chỉ số này cho biết tỷ trọng của nợ và vốn chủ trong cơ cấu vốn, từ đó đánh giá được sự cân đối, an toàn và hiệu quả trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp.
Một số chỉ số đánh giá Cơ cấu nguồn vốn
Chỉ số Nợ/Tổng tài sản = Tổng nợ phải trả/Tổng tài sản
Chỉ số Nợ/Vốn chủ sở hữu = Tổng nợ phải trả/Tổng vốn chủ sở hữu
Chỉ số Vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản = Tổng vốn chủ sở hữu/Tổng tài sản
Chỉ số Giá trị thị trường
Chỉ số Giá trị Thị trường là nhóm các chỉ số tài chính đo lường giá trị của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Các chỉ số này cho biết giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giúp nhà đầu tư định giá và đánh giá mức độ hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác tại thời điểm phân tích.
Một số chỉ số thể hiện Giá trị thị trường
EPS = (Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức ưu đãi)/Số lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ
P/E = Giá của cổ phiếu/Thu nhập mỗi cổ phiếu (EPS)
P/B = Giá của cổ phiếu/Giá trị sổ sách của cổ phiếu
Trong đó: Giá trị sổ sách của cổ phiếu = (Tổng tài sản - Giá trị tài sản vô hình - Nợ)/Số lượng cổ phần đang lưu hành
Các chỉ số tài chính riêng khi phân tích doanh nghiệp đặc thù
Chỉ số tài chính phân tích doanh nghiệp ngành Ngân hàng
Bộ lọc các chỉ số tài chính doanh nghiệp ngành Ngân hàng trên WiChart
NIM: Tỷ lệ thu nhập lãi thuần (Net Interest Margin) = Thu nhập lãi thuần/Tổng tài sản sinh lãi
Chỉ số này càng cao càng tốt và nhằm mục đích phản ánh khả năng tạo ra thu nhập ròng từ hoạt động cho vay của ngân hàng.
COF: Tỷ lệ chi phí vốn huy động (Average Cost of Financing) = Tổng chi phí lãi và tương tự 4 quý gần nhất/Tổng nguồn vốn trả lãi
Chỉ số này càng thấp càng tốt và nhằm mục đích phản ánh chi phí huy động vốn của ngân hàng.
CIR: Tổng chi phí hoạt động/Tổng thu nhập hoạt động
Chỉ số này càng thấp càng tốt và nhằm mục đích phản ánh chi phí hoạt động của ngân hàng.
CASA: Tiền gửi không kỳ hạn/Tiền gửi của khách hàng
Chỉ số này càng cao càng tốt và nhằm mục đích phản ánh khả năng huy động vốn rẻ của ngân hàng.
LDR: Tỷ lệ cho vay khách hàng/Tiền gửi khách hàng (Loan to Deposit Ratio)
Chỉ số này thường có mức hợp lý là 80-90% và nhằm mục đích phản ánh khả năng cho vay của ngân hàng dựa trên nguồn vốn huy động.
CAR: Tỷ lệ an toàn vốn (Capital Adequacy Ratio) = Vốn tự có / Tổng tài sản "có" rủi ro
Chỉ số này có mức tối thiểu thường là 8% và nhằm mục đích phản ánh sức khỏe tài chính của ngân hàng.
NPL: Nợ xấu/Cho vay khách hàng. Trong đó: Nợ xấu là nợ nhóm 3, 4, 5.
Chỉ số này càng thấp càng tốt và nhằm mục đích phản ánh chất lượng tín dụng của ngân hàng.
Tỷ lệ bao nợ xấu: Dự phòng rủi ro cho vay khách hàng/Tổng nợ xấu. Trong đó: Nợ xấu là nợ nhóm 3, 4, 5.
Chỉ số này có mức an toàn thường là trên 120% và nhằm mục đích phản ánh khả năng xử lý nợ xấu của ngân hàng.
Chỉ số tài chính phân tích doanh nghiệp ngành Bảo hiểm
Thống kê chỉ số tài chính của BVH
% Nắm giữ TP Chính Phủ: Trái phiếu Chính phủ ngắn hạn/Các khoản đầu tư tài chính không tính dự phòng (ngắn hạn + dài hạn)
Chỉ số này cho biết tỷ trọng nắm giữ Trái phiếu Chính phủ của doanh nghiệp
% Vốn chủ sở hữu: Lợi nhuận thuần/Vốn chủ sở hữu
Chỉ số này cho biết khả năng tạo ra lợi nhuận từ nguồn vốn cổ đông của công ty.
% Chi phí bồi thường: Chi phí bồi thường/Phí bảo hiểm gộp
Chỉ số này cho biết khả năng dự tính chính xác rủi ro và xác định mức phí bảo hiểm phù hợp của doanh nghiệp.
% Chi phí hoa hồng: Chi phí hoa hồng/Phí bảo hiểm gộp
Chỉ số này được sử dụng để phản ánh hiệu quả hoạt động bán hàng và mức độ chi hoa hồng cho đại lý.
% Chi phí quản lý: Chi phí quản lý/Phí bảo hiểm gộp:
Cho thấy mức độ hiệu quả trong việc kiểm soát các chi phí quản lý điều hành.
% Dự phòng nghiệp vụ: Dự phòng nghiệp vụ/Doanh thu phí
Chỉ số này được sử dụng để đánh giá khả năng chi trả các khoản bồi thường.
Chỉ số tài chính phân tích doanh nghiệp ngành Chứng khoán
Thống kê chỉ số tài chính của SSI
% Chi phí hoạt động Môi giới CK: Chi phí hoạt động Môi giới Chứng khoán
Chỉ số này phản ánh tỷ trọng chi phí cho hoạt động môi giới chứng khoán trong tổng chi phí kinh doanh của công ty.
% Doanh thu hoạt động môi giới chứng khoán: Cho vay nghiệp vụ ký quỹ/Vốn chủ sở hữu
Chỉ số này thể hiện tỷ trọng doanh thu từ hoạt động môi giới chứng khoán trong cơ cấu doanh thu chung của công ty.
% Doanh thu mảng ngân hàng đầu tư: Cho vay nghiệp vụ ký quỹ/Vốn chủ sở hữu
Chỉ số này cho biết tỷ trọng doanh thu từ hoạt động ngân hàng đầu tư như tư vấn M&A, thị trường vốn,... của công ty chứng khoán
% Cho vay ký quỹ: Cho vay nghiệp vụ ký quỹ/Các khoản cho vay và phải thu
Chỉ số này cho biết tỷ trọng hoạt động cho vay ký quỹ trong tổng dư nợ cho vay của công ty
% Tài sản FVTPL: Tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL)/Tổng cộng tài sản
Chỉ số này phản ánh tỷ trọng tài sản tài chính được định giá lại theo giá trị hợp lý trong tổng tài sản của công ty.
Có thể thấy rằng chỉ số tài chính đóng vai trò rất quan trọng trong phân tích hoạt động của doanh nghiệp. Thông qua dữ liệu tài chính tính toán từ báo cáo tài chính, dữ liệu công khai,... chỉ số tài chính cho phép chúng ta có thể đánh giá một cách khách quan về tình hình tài chính, kết quả kinh doanh, năng lực hoạt động và triển vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các chỉ số tài chính còn được xem là công cụ thiết yếu để nhà quản trị, nhà đầu tư, chủ nợ có thể dựa vào hệ thống chỉ số tài chính để đưa ra các quyết định đầu tư, tài trợ phù hợp.
Ngoài ra, chỉ số tài chính còn cho phép chúng ta sử dụng để so sánh doanh nghiệp cần phân tích với các đối thủ cạnh tranh cùng ngành để xác định điểm mạnh, điểm yếu. Thêm vào đó, với xu hướng biến động theo thời gian của các chỉ số cũng sẽ cung cấp thông tin hữu ích về sự phát triển và tăng trưởng của doanh nghiệp. Do đó, có thể nói rằng việc phân tích và ứng dụng các chỉ số tài chính trong đánh giá hoạt động kinh doanh là vô cùng cần thiết.