Ngành ngân hàng là một ngành đặc thù và có quy mô vốn hóa lớn trên thị trường chứng khoán với số lượng cổ phiếu niêm yết nhiều nhất tại VN30 (30 cổ phiếu có vốn hoá và thanh khoản lớn nhất thị trường – 9/30 mã).

Hiện tại, chúng ta có 27 ngân hàng đang niêm yết trên 3 sàn chứng khoán Việt Nam với tổng quy mô vốn hóa lên đến hơn 70 tỷ đô la, chiếm hơn 25% tổng giá trị vốn hóa của tất cả các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện tại.

Xu hướng về sức khỏe tài chính của các ngân hàng thương mại sẽ gợi mở nhiều về triển vọng của nền kinh tế sắp tới. Sự biến động của nhóm cổ phiếu này là một dự báo cho giới đầu tư trước những tín hiệu thay đổi xu hướng thị trường tăng hoặc giảm.

Để đánh giá được tiềm năng của một ngân hàng nào đó thì không đơn thuần chúng ta chỉ nhìn vào mức lợi nhuận sau thuế mà nhà đầu tư cần phân tích sâu vào một số chỉ số tài chính nhất định.

Chỉ số đánh giá hiệu quả

NIM (Net Interest Margin): Biên lãi ròng

Hệ số NIM phản ánh sự chênh lệch phần trăm giữa chi phí lãi phải trả trên các khoản huy động và thu nhập từ lãi vay của ngân hàng. Nói cách khác, hệ số này đo lường hiệu quả của việc đầu tư và huy động tín dụng ngân hàng.

Chỉ số này càng cao chứng tỏ ngân hàng có khả năng phân bố tài sản vào các tài sản sinh lãi tốt nhất, cho thu nhập lãi vay trong kỳ tốt nhất do hoạt động huy động và cho vay hiệu quả, phân bổ nguồn vốn hiệu quả. NIM thường dao động ở mức 2-5%.

Công thức: NIM = (Thu nhập lãi thuần/tổng tài sản sinh lời bình quân) x 100

COF (Cost of funds): Chi phí huy động vốn

Chỉ số COF thể hiện tỷ lệ chi phí mà ngân hàng phải trả để huy động các nguồn vốn. Chỉ số này thường được báo cáo hàng năm. COF thấp có nghĩa là ngân hàng có khả năng huy động vốn với chi phí thấp, giúp tăng lợi nhuận cho ngân hàng bởi sẽ giảm bớt áp lực chi phí trên lợi nhuận.

Chỉ số COF có thể được phân tích theo từng loại nguồn vốn khác nhau, giúp nhà đầu tư hiểu rõ hơn về cách ngân hàng huy động và sử dụng vốn của mình.

Công thức: COF = (Chi phí lãi & các khoản tương tự/Nguồn vốn huy động có tính lãi bình quân) x 100

CIR (Cost-to-income): Chi phí trên thu nhập

Chỉ số CIR là 1 chỉ tiêu xem xét mức độ quản lý chi phí so với doanh thu của ngân hàng. Đây cũng là chỉ số mang tính khái quát, cho thấy mức độ hiệu quả trong vận hành của ngân hàng.

Chỉ số này thấp có nghĩa là ngân hàng đang quản lý chi phí tốt hơn và có khả năng tạo ra lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, chỉ số CIR thấp cũng có thể là do ngân hàng không đầu tư đủ vào hoạt động kinh doanh và tiếp thị để tăng trưởng doanh thu.

Công thức: CIR = (Tổng chi phí hoạt động / Tổng thu nhập hoạt động) x 100

Chỉ số tài chính đánh giá hiệu quả của TCB - WiChart

Chỉ số đánh giá hiệu quả hoạt động NIM, CIR, COF

Chỉ số đánh giá an toàn vốn

LDR (Loan-to-deposit): Tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động

Chỉ số LDR đánh giá mức độ tín nhiệm của ngân hàng, cho thấy khả năng thanh khoản của ngân hàng. Chỉ số này được Pháp luật quy định cụ thể nhằm kiểm soát tín dụng tăng trưởng quá nóng. Thông tư 22 quy định: “Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi tối đa 85%”. Chỉ số này thường dao động ở mức 70-95%.

Công thức: LDR = (Cho vay khách hàng/Tổng nguồn vốn huy động) x 100

CAR (Capital Adequacy Ratio): Hệ số an toàn vốn

Hệ số CAR phản ánh mối quan hệ giữa vốn tự có với tài sản có trọng số rủi ro. Nó được quyết định bởi các ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý ngân hàng để ngăn chặn các ngân hàng thương mại sử dụng đòn bẩy quá mức và trở nên mất khả năng thanh toán trong quá trình này.

Tiêu chuẩn Basel được lập ra để kiểm soát điều này. Một ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn cao được coi là an toàn và có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của ngân hàng. Hệ số này thường dao động từ 8-15%.

Công thức: CAR = [Vốn tự có/ Tổng tài sản có trọng số rủi ro (RWA)] x100

CASA (Current Account Savings Account): Tỷ lệ giữa tiền gửi không kỳ hạn trong tài khoản thanh toán và tiền gửi tiết kiệm

Tỷ lệ CASA cao cho thấy ngân hàng huy động vốn bằng tiền gửi không kỳ hạn từ tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm, thay vì tài khoản tiền gửi có kỳ hạn. Tỷ lệ CASA càng lớn có nghĩa ngân hàng càng huy động được nhiều nguồn vốn rẻ, từ đó giúp ngân hàng cải thiện tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM), có thêm điều kiện cạnh tranh về lãi suất cho vay trên thị trường.

Mặt khác, tỷ lệ này cũng gián tiếp phản ánh hiệu quả của chính sách phát triển sản phẩm, dịch vụ tiện ích, tạo nền tảng khách hàng… của một ngân hàng thương mại. Bởi khi khách hàng đến ngân hàng mở tài khoản (tài khoản vãng lai) để nộp/rút tiền, chuyển khoản, nhận lương, mở thẻ ATM… thì đồng nghĩa đang làm tăng tỷ lệ CASA cho ngân hàng.

Công thức: CASA = Huy động không kỳ hạn / Tổng nguồn vốn huy động

Chỉ số đánh giá an toàn vốn của TCB - WiChart

Chỉ số đánh giá an toàn vốn LDR, CASA, CAR

Chỉ số đánh giá chiến lược (Chất lượng tín dụng)

NPL (Non Performing Loan): Tỷ lệ nợ xấu

Tỷ lệ NPL phản ánh số tiền cho vay không có khả năng trả lại của khách hàng hoặc bị quá hạn thanh toán so với tổng số tiền cho vay của ngân hàng. NPL tăng cao cho thấy khả năng thanh toán của ngân hàng đang có chuyển biến xấu.

Ngoài ra, bạn có thể dựa vào tỷ lệ nợ xấu để đánh giá được phân khúc khách hàng của ngân hàng này. Từ đó đánh giá được nền nhóm khách hàng này có phải là đối tượng đang bị ảnh hưởng thu nhập bởi tác động của các điều kiện kinh tế vĩ mô hay không.

Công thức: NPL = (Nợ xấu/Tổng nợ) x 100

Tỷ lệ nợ xấu NPL của TCB - WiChart

Tỷ lệ nợ xấu NPL

Phân tích ngành ngân hàng đòi hỏi nhà đầu tư phải đánh giá toàn diện các chỉ số tài chính quan trọng và cả các yếu tố khác như tình hình kinh tế, tình hình chính trị, sự phát triển của công ty trong tương lai và sự cạnh tranh của ngành.

Thêm nữa, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu về luật pháp, chính sách tài chính của chính phủ, các tin tức về các công ty ngân hàng trên các phương tiện truyền thông để có cái nhìn tổng quan và chính xác về ngành.

Truy cập ngay vào WiChart để xem thêm các dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô khác.