Ngành xây dựng là một trong những ngành có vai trò then chốt trong việc xây dựng các cơ sở hạ tầng và các công trình dân dụng. Vì thế việc phân tích chỉ số tài chính trong ngành này là vô cùng quan trọng để đánh giá sức khỏe kinh doanh và hiệu suất hoạt động của các doanh nghiệp. Những chỉ số này không chỉ giúp xác định khả năng sinh lời và quản lý rủi ro mà còn cung cấp cho các nhà đầu tư và các nhà quản lý cái nhìn sâu hơn về khả năng tài chính ngắn hạn và dài hạn của doanh nghiệp xây dựng.
Chỉ số giá xây dựng (Construction Price Index)
Chỉ số giá xây dựng (Construction Price Index) là một trong những chỉ số tài chính quan trọng thường được sử dụng để theo dõi sự thay đổi trong chi phí xây dựng theo thời gian.
Chỉ số giá xây dựng bao gồm nhiều yếu tố: chỉ số giá xây dựng theo loại công trình, theo cấu trúc chi phí (bao gồm chỉ số giá xây dựng, chỉ số giá thiết bị, chỉ số giá các chi phí khác), theo yếu tố chi phí (như chỉ số giá nguyên vật liệu công trình, chỉ số giá nhân công xây dựng,..).
Thông thường, việc thống nhất chỉ số giá xây dựng thường được thực hiện theo quy định của Bộ Xây dựng nhằm làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Việc xác định chỉ số giá xây dựng thường dựa trên sự so sánh giữa giá trị của một loạt các sản phẩm và dịch vụ xây dựng trong một khoảng thời gian cụ thể với một điểm tham chiếu trước đó (thường là một năm cơ sở). Khi chỉ số giá xây dựng tăng, tức là chi phí xây dựng đang tăng so với thời điểm tham chiếu và ngược lại.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt to Equity ratio)
Chỉ số D/E (Debt to Equity ratio) là một chỉ số tài chính thể hiện phần trăm giữa vốn doanh nghiệp huy động từ hoạt động cho vay với khoản vốn chủ sở hữu. Nó được sử dụng để đánh giá đòn bẩy tài chính của công ty, đồng thời là thước đo quan trọng để các nhà đầu tư và bản thân doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá năng lực tài chính của mình, phát hiện rủi ro tiềm ẩn, có biện pháp ứng phó kịp thời.
Chỉ số D/E = Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu
Nếu chỉ số D/E thấp hơn 1, tức là tỷ lệ nợ thấp hơn phần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp đang quản lý rủi ro từ những khoản nợ khá tốt. Trong trường hợp doanh nghiệp cần thanh toán nợ gấp thì vẫn có đủ năng lực tài chính để ứng phó với khoản nợ này.
Nếu chỉ số D/E lớn hơn 1, tức là doanh nghiệp đang có khoản nợ nhiều hơn vốn chủ sở hữu, tổ chức cần có kế hoạch để nhìn nhận rủi ro đang gặp phải và tìm cách xử lý thích hợp.
Hệ số backlog trên vốn chủ sở hữu (Backlog to Equity Ratio)
Backlog được dịch ra Tiếng Việt có nghĩa là “Tồn đọng”, nhằm đề cập đến các công việc chưa được hoàn thành hoặc đang chờ giải quyết. Trong xây dựng, Backlog liên quan đến lượng công việc (thường là dự án hoặc hợp đồng) mà công ty đã ký kết nhưng chưa hoàn thành.
Hệ số backlog trên vốn chủ sở hữu (Backlog to Equity ratio) là chỉ số tài chính thường được sử dụng để đánh giá mức độ rủi ro tài chính dài hạn và hiệu quả sản xuất của một công ty hoặc dự án xây dựng.
Hệ số backlog trên vốn chủ sở hữu = Giá trị dự án chờ thực hiện (Backlog) / Vốn chủ sở hữu
Chỉ số này cung cấp thông tin về mức độ cân đối giữa giá trị công việc đã ký hợp đồng và mức độ vốn mà công ty đã đầu tư. Chỉ số quá cao hoặc quá thấp có thể có những tác động tích cực hoặc tiêu cực đối với tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của công ty xây dựng.
Khi tỉ lệ backlog trên vốn chủ sở hữu cao, có nghĩa là công ty có một lượng lớn các dự án hoặc hợp đồng đã ký kết nhưng chưa hoàn thành, điều này giúp tạo ra dòng tiền trong tương lai và sự ổn định về tài chính. Bên cạnh đó, tỉ lệ cao còn cho thấy công ty đã cam kết vào nhiều dự án, hợp đồng cụ thể, đây có thể là cơ hội hoặc rủi ro, tùy thuộc vào khả năng thực hiện và quản lý rủi ro của công ty. Tuy nhiên, nếu công ty không sử dụng vốn chủ sở hữu một cách hiệu quả, tỉ lệ cao có thể cho thấy công ty đang gặp khó khăn trong việc tận dụng nguồn vốn của mình.
Khi tỉ lệ backlog trên vốn chủ sở hữu thấp, có thể biểu thị sự cải thiện của hiệu quả sản xuất nhưng cũng có thể ám chỉ rằng công ty đang đối mặt với rủi ro tài chính khi có ít dự án hoặc hợp đồng trong tương lai. Điều này làm ảnh hưởng đến dòng tiền và khả năng sinh lời của các công ty xây dựng.
Hệ số backlog trên vốn lưu động (Backlog to Working Capital ratio)
Hệ số backlog trên vốn lưu động (Backlog to Working Capital ratio) là chỉ số tài chính trong ngành xây dựng dùng để đo lường khả năng quản lý tài chính ngắn hạn cũng như đánh giá hiệu suất của các dự án chờ thực hiện trong việc đáp ứng nghĩa vụ tài chính ngắn hạn của công ty.
Hệ số backlog trên vốn lưu động = Giá trị dự án chờ thực hiện (Backlog) / (Tài sản ngắn hạn - Nợ phải trả ngắn hạn)
Chỉ số này giúp cung cấp cái nhìn về việc cân đối giữa khả năng sinh lời từ các dự án chờ thực hiện và khả năng sử dụng vốn lưu động của công ty. Các doanh nghiệp xây dựng luôn mong muốn tỉ lệ tối thiểu là 1:1 để có thể đáp ứng các yêu cầu tài chính ngắn hạn cũng như duy trì việc hoạt động hiệu quả.
Kết luận
Có thể nói, các chỉ số tài chính trên có vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư và nhà quản lý trong việc đánh giá hiệu suất và sức khỏe tài chính của công ty so với các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tuy nhiên, các chỉ số chỉ mang tính tương đối, để có thể đưa ra quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả nhất, nhà đầu tư cần xem xét ngữ cảnh của công ty trong ngành, đồng thời kết hợp xem cùng với các chỉ số tài chính khác để có cái nhìn tổng thể nhất về hiệu suất và giá trị của công ty.