Chính sách tài khóa (Fiscal policy) là một công cụ quan trọng mà nhà nước sử dụng để điều tiết hoạt động kinh tế thông qua biện pháp thay đổi chi tiêu và/hoặc thuế. Bài viết ngày hôm nay sẽ cho bạn một cái nhìn tổng quát về chính sách tài khóa và mục tiêu cũng như vai trò của chính sách này trong nền kinh tế.

1. Tìm hiểu chính sách tài khoá là gì?

Chính sách tài khóa là hệ thống các biện pháp của chính phủ sử dụng các công cụ tài chính như thuế, chi tiêu công và vay nợ để tác động đến nền kinh tế vĩ mô. Ví dụ, trong 1 đợt suy thoái kinh tế, chính phủ có thể giảm thuế hoặc tăng chi tiêu để hỗ trợ kích cầu và các hoạt động kinh tế.

Chính sách tài khóa khác với chính sách tiền tệ ở chỗ chính sách tiền tệ được thực hiện bởi NHTW.

Theo học thuyết Keynes, chính phủ cần phải sẵn sàng tăng chi tiêu công cộng để chuyển nền kinh tế từ trạng thái thất nghiệp tràn lan sang trạng thái gần với mức toàn dụng. Lối tư duy của Keynes được ảnh hưởng bởi Cuộc Đại khủng hoảng (1929-1933).

Nhiều nhà kinh tế cho rằng chính sách tài khóa không phải là một giải pháp áp dụng cho tất cả vấn đề của nền kinh tế. Họ cho rằng nó chỉ thích hợp với tình trạng suy thoái tồn tại khi Keynes viết cuốn Lý thuyết tổng quát về việc làm, lãi suất và tiền tệ.

Vì vậy sau này, mọi người bắt đầu chuộng chính sách tiền tệ hơn để đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô. Chính sách tiền tệ khác với chính sách tài khóa ở chỗ chính sách tiền tệ được thực hiện bởi ngân hàng trung ương.

Hiện nay, các nhà kinh tế vẫn đang tranh luận về việc chính sách nào có hiệu quả hơn trong việc điều tiết nền kinh tế.

2. Các loại chính sách tài khóa khác nhau

Chính sách tài khóa thuộc quyền hạn thực hiện của Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương không được thực hiện chức năng này. Có ba loại chính sách tài khóa chính:

  • Chính sách tài khóa mở rộng: Đây còn được gọi là chính sách tài khóa thâm hụt. Trong thời kỳ suy thoái, chính phủ có thể giảm thuế hoặc tăng chi tiêu chính phủ (đầu tư công) để kích thích tổng cầu, tăng thêm việc làm cho người lao động, từ đó giúp thúc đẩy các hoạt động kinh tế.

  • Chính sách tài khóa thắt chặt: Ngược lại, khi nền kinh tế ở tình trạng lạm phát và có hiện tượng nóng, thì nhà nước có thể tăng thuế và giảm chi tiêu dẫn làm cho giảm tổng cầu, nhằm giảm lạm phát, ngăn cho nền kinh tế khỏi rơi vào tình trạng quá nóng dẫn tới đổ vỡ.

  • Chính sách tài khóa cân bằng: Duy trì ổn định giữa chi tiêu và thuế để đảm bảo tăng trưởng bền vững. Mục tiêu là tránh thâm hụt hoặc thặng dư quá mức và đảm bảo sự ổn định dài hạn của kinh tế.

Tuy nhiên, trong giới các nhà kinh tế học vẫn còn một số tranh cãi về chính sách tài khóa, khi mà Keynes tin rằng chính sách tài khóa mở rộng, chẳng hạn như tăng chi tiêu của chính phủ hoặc giảm thuế, có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp.

Những người chỉ trích Keynes lập luận rằng chính sách tài khóa mở rộng có thể dẫn đến lạm phát hoặc nợ công tăng cao hoặc không hiệu quả do vấn đề về độ trễ. Ví dụ, trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhiều quốc gia đã trì hoãn việc thực hiện chính sách tài khóa mở rộng cho đến khi suy thoái đã trở nên trầm trọng. Điều này khiến cho chính sách tài khóa mở rộng không còn hiệu quả như mong muốn.

Các tranh cãi về Keynes vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Tuy nhiên, các lý thuyết của Keynes đã có tác động đáng kể đến chính sách kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Chính phủ của nhiều quốc gia đã sử dụng chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp, và các lý thuyết của Keynes vẫn là một nền tảng quan trọng của kinh tế học vĩ mô hiện đại.

3. Mục tiêu của chính sách tài khoá

3.1. Ổn định nền kinh tế

Chính sách tài khóa có những mục tiêu chính là giảm quy mô biến động của sản lượng trong chu kỳ kinh doanh, dẫn tới việc cần có bàn tay Chính phủ can thiệp vào điều chỉnh hoạt động nền kinh tế. Chính phủ ổn định kinh tế bằng chính sách tài khóa dựa trên hiệu ứng “nhân tử” (economic multiplier).

Về mặt lý thuyết, khi tăng chi, cắt giảm thuế thì tổng cầu sẽ tăng và khi ấy, tỷ lệ việc làm tăng cao để đáp ứng đủ mức tăng tổng cầu, khiến thu nhập quốc dân tăng theo. Tương tự, nếu mức hoạt động kinh tế quá cao, Chính phủ có thể giảm chi, tăng thuế để tổng cầu giảm xuống. Có thể thấy, chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng để ổn định nền kinh tế vĩ mô.

3.2. Phân phối thu nhập

Chính sách tài khóa còn có mục tiêu phân phối thu nhập, trong đó chính sách tài khóa sẽ hỗ trợ giảm bất bình đẳng thu nhập, giúp người nghèo và các nhóm yếu thế có cơ hội bình đẳng hơn. Các công cụ trực tiếp để phân phối lại thu nhập hiện tại bao gồm thuế và chi chuyển nhượng có tính lũy tiến.

Chính phủ có thể áp dụng phương pháp thuế lũy tiến, có nghĩa là chính phủ sẽ áp dụng mức thuế cao hơn đối với người có thu nhập cao hơn. Các công cụ chính sách tài khóa có mục tiêu giúp cải thiện đời sống của người nghèo và các nhóm yếu thế, góp phần xây dựng một xã hội công bằng và phát triển bền vững.

3.3. Kích thích phát triển

Chính phủ có thể đầu tư công như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế, và khoa học công nghệ để kích thích phát triển nền kinh tế. Ngoài ra, Chính phủ cũng có thể có những chính sách tài khóa khác như áp dụng các gói kích cầu cho vay với lãi suất thấp, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Việc sử dụng các công cụ chính sách tài khóa một cách hiệu quả có thể giúp tăng trưởng GDP, tạo việc làm, và nâng cao đời sống của người dân.

4. Vai trò chính sách tài khoá trong nền kinh tế

4.1. Chức năng điều tiết

Đối với nền kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa là công cụ giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế, thông qua chính sách chi tiêu mua sắm và thuế. Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khoá được sử dụng để tác động vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, chính sách tài khóa lại trở thành công cụ được sử dụng để giúp có thể tăng chi tiêu công và giảm thuế để kích thích tổng cầu, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong thời kỳ lạm phát cao, chính phủ có thể giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm tổng cầu, từ đó kiềm chế lạm phát.

4.2. Chức năng phân phối

Chính sách tài khóa thực hiện chức năng phân phối và tái phân phối tổng sản phẩm quốc dân. Chính sách tài khóa giúp điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội hay các rủi ro từ thị trường, từ đó tạo lập một sự ổn định và bình đẳng trong xã hội để tạo ra môi trường an toàn cho đầu tư và tăng trưởng.

Chức năng phân phối của chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng để chính phủ giải quyết các vấn đề về bất bình đẳng thu nhập, nghèo đói và phúc lợi xã hội.

4.3. Chức năng ổn định

Chức năng ổn định của chính sách tài khóa là sử dụng các công cụ tài chính như thuế, chi tiêu công và vay nợ để ổn định nền kinh tế vĩ mô và giảm thiểu các biến động kinh tế. Chính sách tài khóa có thể sử dụng chi tiêu công để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong thời kỳ suy thoái kinh tế để tạo việc làm và kích thích tăng trưởng.

Thêm nữa, chính sách tài khóa có thể sử dụng thuế để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể tăng thuế trong thời kỳ lạm phát cao để giảm tổng cầu và kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, chính sách tài khóa có thể sử dụng vay nợ để ổn định nền kinh tế. Chính phủ có thể vay tiền để chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Có thể thấy chính sách tài khóa là một công cụ quan trọng của chính phủ để điều tiết nền kinh tế và đạt được các mục tiêu kinh tế - xã hội. Chính sách tài khóa đóng vai trò điều tiết, ổn định nền kinh tế, cũng như giảm thiểu sự bất bình đẳng trong xã hội.

Vì mức ảnh hưởng tới toàn bộ nền kinh tế vĩ mô, việc sử dụng chính sách tài khóa hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chính phủ và sự tham gia của các bên liên quan khác.

5. So sánh Chính sách Tài khóa và Chính sách Tiền tệ

Tiêu chí

Chính sách Tài khóa

Chính sách Tiền tệ

Cơ quan thực thi

Chính phủ

Ngân hàng trung ương

Công cụ chính

Thuế, chi tiêu chính phủ

Lãi suất, dự trữ bắt buộc, hoạt động thị trường mở

Mục tiêu

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thu nhập và phân phối

Ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Tác động

Tác động trực tiếp đến tổng cầu trong nền kinh tế

Tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua lãi suất và cung tiền

Hiệu quả

Hiệu quả trong ngắn hạn nhưng có thể ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách và nợ công

Hiệu quả trong trung và dài hạn nhưng có thể tác động chậm chạp

Tính linh hoạt

Ít linh hoạt hơn do cần có sự thông qua của cơ quan lập pháp

Linh hoạt hơn do có thể điều chỉnh thường xuyên

Tác động phụ

Có thể gây ra "đẩy lùi" (crowding out) đầu tư tư nhân

Có thể gây ra bong bóng tài sản nếu thực thi không phù hợp

Lưu ý:

  • Bảng so sánh chỉ tóm tắt những điểm chính của hai chính sách. Để có cái nhìn đầy đủ hơn, cần tham khảo thêm các tài liệu chuyên ngành về kinh tế vĩ mô.

  • Hai chính sách thường được sử dụng phối hợp với nhau để đạt được mục tiêu chung về ổn định và phát triển kinh tế.

6. Sự tương tác giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

6.1. Tác động của CSTK đến CSTT

Chính sách tài khóa có thể tác động đến chính sách tiền tệ thông qua kênh tác động trực tiếp và kênh tác động gián tiếp:

  • Tác động trực tiếp:

Chính sách tài khóa tác động lên chính sách tiền tệ thông qua việc làm thay đổi cung và cầu tiền tệ. Cụ thể, khi Chính phủ áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và tăng chi tiêu công, thu nhập của người dân và doanh nghiệp sẽ tăng lên theo. Điều này sẽ làm tăng cầu tiền tệ.

Để đáp ứng nhu cầu này, Ngân hàng Nhà nước có thể làm tăng cung tiền bằng cách mua những tài sản như trái phiếu và cổ phiếu trên thị trường mở. Nói cách khác, chính sách tài khóa mở rộng cũng sẽ thúc đẩy chính sách tiền tệ phải mở rộng theo. Ngược lại, khi Chính phủ thắt chặt chính sách tiền tệ và giảm chi tiêu công, cầu tiền tệ cũng sẽ giảm. Để tránh tình trạng dư thừa tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có thể giảm cung tiền thông qua việc bán tài sản trên thị trường mở.

  • Tác động gián tiếp:

Tác động gián tiếp của chính sách tài khóa lên chính sách tiền tệ là tác động thông qua việc làm thay đổi lãi suất và giá cả. Khi Chính phủ tăng chi tiêu công và làm tăng thu nhập của người dân, tổng cầu về hàng hóa trong nền kinh tế sẽ tăng lên và dẫn đến lạm phát.

Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, Điều này sẽ khiến chi phí đi vay đi lên, làm giảm nhu cầu tiêu dùng và đầu tư. Ngược lại, việc Chính phủ giảm chi tiêu công sẽ làm giảm cầu hàng hóa và dịch vụ. Để khuyến khích tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước có thể phải giảm lãi suất.

Tác động qua lại giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

6.2. Tác động của CSTT đến CSTK

Tương tự, tác động của chính sách tiền tệ lên chính sách tài khóa cũng có thể được phân tích dưới hai góc độ trực tiếp và gián tiếp:

  • Tác động trực tiếp:

Chính sách tiền tệ có thể tác động trực tiếp đến chính sách tài khóa thông qua việc thay đổi lãi suất. Cụ thể, khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất, chi phí đi vay của Chính phủ cũng sẽ giảm. Điều này đồng nghĩa với việc Chính phủ có thể vay tiền với chi phí thấp hơn, từ đó có thể tăng chi tiêu công hoặc giảm thuế.

  • Tác động gián tiếp:

Tác động gián tiếp của chính sách tiền tệ lên chính sách tài khóa được thể hiện thông qua việc thay đổi tổng cầu và tổng cung tiền tệ. Việc Ngân hàng Nhà nước tăng cung tiền cũng sẽ đồng thời làm tăng tổng cầu. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro, tiêu biểu là lạm phát. Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ có thể phải thực hiện các chính sách tài khóa thắt chặt hơn, bao gồm tăng thuế, giảm chi tiêu công, hoặc kết hợp cả hai biện pháp này.

Có thể thấy, chinh sách tài khóa và chính sách tiền tệ có sự phụ thuộc lẫn nhau, mỗi thay đổi trong một chính sách đều sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách còn lại. Hơn nữa, trong thực tế, hai chính sách này lại do hai cơ quan khác nhau điều hành. Thực tế này đặt ra vấn đề cần phải có sự phối hợp trong việc điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ giữa Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

7. Lợi ích của việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ

Nhìn chung, lợi ích của việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong điều hành thị trường tài chính bao gồm:

  • Đảm bảo hiệu quả của chính sách kinh tế vĩ mô:

Khi chính sách tài hóa được sử dụng đồng thời và kết hợp hài hòa với chính sách tiền tệ, hai chính sách này sẽ gia tăng tính linh hoạt và tăng cường tác động tổng hợp của nhau. Ví dụ, chính sách tiền tệ có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với tăng trưởng kinh tế của chính sách tài khóa thắt chặt.

Chính sách tài khóa cũng có thể làm giảm ảnh hưởng xấu của chính sách tiển tệ thắt chặt đối với lạm phát. Như vậy, sự kết hợp của hai chính sách này sẽ hỗ trợ đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tỉ lệ thất nghiệp một cách hiệu quả.

  • Giảm thiểu rủi ro và bất ổn trong nền kinh tế:

Khi chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ được kết hợp hài hòa, những biến động trong tổng cầu và tổng cung sẽ được giảm thiểu. Điều này có thể giúp kiểm soát nguy cơ lạm phát cao và suy thoái kinh tế. giúp cho nền kinh tế ổn định hơn.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế bước vào thời kỳ khó khăn, việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ có thể giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn thông qua việc kích thích tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp.

  • Tăng tính minh bạch của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước:

Việc kết hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ yêu cầu Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải hợp tác chặt chẽ với nhau để điều hành các chính sách. Điều này sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của cả hai tổ chức này.

Đừng quên tìm hiểu và đăng ký ngay khóa học về tài chính và đầu tư của WiGroup.