EVN độc quyền phân phối Điện, chứ không phải độc quyền sản xuất Điện

Vừa qua Cục điều tiết Điện lực vừa công bố số liệu thống kê cơ cấu nguồn điện nước ta. Điểm chú ý là, qua 20 năm, cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi lớn khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không còn độc quyền nắm giữ nguồn điện và sản xuất điện như những năm trước năm 2006. 

Tính đến cuối năm 2022, công suất lắp đặt quốc gia đạt 79.651 MW, tăng 3.031 MW, +4% so với cùng kỳ (svck), đứng đầu ASEAN. Tuy nhiên, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) chỉ đóng góp tỷ trọng khoảng 47% công suất đặt. Trong đó, EVN chỉ còn nắm giữ trực tiếp và gián tiếp là 37% (10% trực tiếp và 27% gián tiếp qua các Tổng công ty phát điện); TKV chiếm 2% chủ yếu là nhiệt điện, PVN chiếm 8% chủ yếu là điện khí và thuỷ điện nhỏ và phần còn lại là do các nhà đầu tư tư nhân (42%), các dự án BOT(10%), nguồn điện nhập khẩu và nguồn khác chiếm khoảng 1%. Tỷ lệ sở hữu nguồn điện của tư nhân tăng nhanh là nhờ sự bùng nổ của năng lượng tái tạo khi có cơ chế khuyến khích của Chính phủ, theo Bộ Công Thương từ năm 2012 đến nay, đóng góp trong cơ cấu nguồn điện của Tư nhân tăng từ 10% lên 42%.

cơ cấu nguồn điện

Nhưng hiện tại EVN vẫn gần như độc quyền tuyệt đối về phân phối điện

Với cơ cấu sản xuất điện mà phần lớn tỷ trọng thuộc về tư nhân thì liệu tương lai giá điện có thể được quyết định bởi thị trường hay không? Điện là một sản phẩm đặc thù, chiếm vai trò quan trọng trong tất cả các hoạt động kinh tế và liên quan đến an ninh quốc gia. Vì lý do đó mà ngành điện Việt Nam luôn được Nhà nước kiểm soát hoàn toàn. Điều đó có nghĩa, tuy EVN có thể không còn độc quyền trong nguồn điện và sản xuất điện nhưng sẽ độc quyền trong khâu phân phối điện thông qua việc mua lại điện từ các nhà máy sản xuất điện. Việc mua lại điện từ các nhà máy sản xuất sẽ dẫn đến chi phí tăng cao và gây thua lỗ cho EVN khi giá điện được sự kiểm soát của Nhà nước. Điện ở Việt Nam chủ yếu đến từ điện than, thủy điện và năng lượng tái tạo. Trong đó, điện than chiếm tỷ trọng cao nhất. Trong 1 năm trở lại đây, giá than đã tăng gấp 3 lần, giá khí cũng tăng rất nhiều, từ đó dẫn đến chi phí sản xuất điện tại Việt Nam gia tăng. Bằng chứng là EVN đã liên tục báo lỗ khủng trong những quý vừa qua.

Ngành điện

Và trong trung hạn, EVN độc quyền về phân phối vẫn sẽ được duy trì, có chăng là sẽ có những thỏa thuận mua bán giữa các doanh nghiệp lớn, hay cụm công nghiệp mà ở gần đó có các nhà máy sản xuất điện. Vì sao?

  • Về mặt cơ sở hạ tầng: Hiện nay, phần lớn cơ sở hạ tầng cho việc phân phối điện đều thuộc về sở hữu của Nhà nước như đường dây 500 KV, các đường dây dẫn điện vào các hộ dân và với quy mô phân phối điện toàn quốc sẽ đòi hỏi nhà đầu tư tư nhân một khoảng vốn rất lớn.

  • Đặc tính sản phẩm: điện vẫn là một sản phẩm đặc thù và liên quan đến an ninh quốc gia nên Nhà nước sẽ chú trọng quản lý ngành Điện.

Về dài hạn thì xu hướng chung là sẽ có những cơ chế đặc thù cho ngành Điện, khi để phát triển bền vững năng lượng xanh như Quy hoạch điện 8 thì sẽ phải cần hơn 130 tỷ USD đầu tư do đó để thu hút nguồn lực từ bên ngoài đòi hỏi phải có những chính sách đủ để hấp dẫn, ít rủi ro.

Độc quyền phân phối Điện có thật sự xấu?

Có nhiều ý kiến cho rằng, khi một doanh nghiệp độc quyền sản phẩm nào đó thì họ sẽ có quyền quyết định giá cả. Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với ngành Điện, cụ thể hơn là EVN, mà Chính Phủ mới là cơ quan có thể điều chỉnh giá điện, chi tiết hơn là Bộ Công Thương.

Điện là loại sản phẩm thiết yếu, quan trọng đối với hộ sinh hoạt và cả hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Do đó, giá điện tác động rất nhiều đến Lạm phát, thì với EVN độc quyền cũng giúp Chính Phủ chủ động hơn trong kiểm soát lạm phát, từ đó chủ động hơn trong điều hành kinh tế.

Nhìn qua giai đoạn vừa rồi, thì giá điện bán lẻ ở Việt Nam ổn định hơn rất nhiều so với giá điện bán lẻ của các nước EU (đại điện là Đức).

Giá điện bán lẻ

Tất nhiên trong một thị trường độc quyền thì rất dễ có những vấn đề về xung đột lợi ích, tình hình quản trị ... Nhưng rõ ràng EVN hay Chính phủ quản lý 100% thị trường điện không phải là xấu, nó mang lại sự ổn định trong kinh tế xã hội.

Trên đó là một vài thông tin về ngành điện của Việt Nam, hi vọng mang lại 1 số góc nhìn cho anh chị tham gia thị trường.