Việc kiểm soát tỉ lệ lạm phát hợp lý đã và đang trở thành những thách thức to lớn đối với mỗi quốc gia. Tác động của lạm phát đòi hỏi quốc gia phải đưa ra những quyết định linh hoạt trong chính sách tiền tệ nhằm giữ cho nền kinh tế ổn định và phát triển bền vững. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về lạm phát, chính sách tiền tệ và mối tương quan giữa chúng trong nền kinh tế vĩ mô.
Khái niệm lạm phát
Lạm phát (Inflation) là hiện tượng tăng liên tục mức giá chung của các loại hàng hóa và dịch vụ trong một quốc gia theo thời gian, dẫn đến việc đơn vị tiền tệ bị giảm giá trị.
Hiện tượng lạm phát phản ánh sự suy giảm trong sức mua của đồng tiền. Cụ thể, khi lạm phát diễn ra, các mặt hàng và dịch vụ mua bán sẽ có dấu hiệu tăng mức giá chung. Điều này khiến một đơn vị tiền tệ sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây.
Lạm phát giống như “con dao hai lưỡi” tác động tích cực và tiêu cực đến nền kinh tế của một quốc gia. Vì thế nên trong thực tế, các quốc gia đều kỳ vọng mức độ lạm phát chỉ khoảng 5% trở xuống, tuy nhiên không phải quốc gia nào cung có thể đạt được con số lý tưởng này.

Khái niệm chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ (Monetary policy) là một trong những chính sách vĩ mô được ngân hàng trung ương (hoặc các cơ quan hữu trách về tiền tệ) thực hiện bằng việc sử dụng các công cụ tín dụng và hối đoái tác động đến việc cung ứng tiền cho nền kinh tế. Mục tiêu của chính sách tiền tệ là duy trì ổn định giá cả, giảm tỉ lệ thất nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế,...
Phân loại chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ mở rộng
Chính sách tiền tệ mở rộng (Expansionary Monetary Policy) là chính sách mà Ngân hàng Trung ương mở rộng mức cung tiền lớn hơn mức bình thường cho nền kinh tế, làm hạ lãi suất ngắn hạn, qua đó làm tăng tổng cầu, sẽ tạo được công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh. Từ đó khiến quy mô của nền kinh tế được mở rộng, thu nhập tăng và tỉ lệ thất nghiệp giảm xuống.
Trong nền kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ mở rộng thường được áp dụng trong điều kiện nền kinh tế bị suy thoái và tỉ lệ thất nghiệp gia tăng. Mục tiêu cơ bản của nó là thúc đẩy tổng cầu để bù đắp cho những thiếu hụt trong nhu cầu tư nhân. Mục tiêu này dựa trên ý tưởng cho rằng nguyên nhân chính của suy thoái là sự thiếu hụt trong tổng cầu.
Chính sách tiền tệ thắt chặt
Chính sách tiền tệ thắt chặt (Tight Monetary Policy) là chính sách mà Ngân hàng Trung ương tác động nhằm giảm mức cung tiền trong nền kinh tế, qua đó làm lãi suất thị trường tăng lên khiến cho tổng cầu thu hẹp dần và làm mức giá chung giảm xuống.
Thông thường, chính sách tiền tệ thắt chặt được áp dụng khi nền kinh tế của một quốc gia đã có sự phát triển thái quá, lạm phát ngày càng gia tăng
Mối quan hệ giữa lạm phát và chính sách tiền tệ
Chính sách tiền tệ dù mở rộng hay thắt chặt cũng đều có mối tương quan mật thiết với tỉ lệ lạm phát, vì nó có ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, quy mô sản xuất kinh doanh. Điều này đặt ra cho Ngân hàng Trung ương trách nhiệm phải vận dụng các công cụ tiền tệ để góp phần tăng cường, mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh, đồng thời tham gia tích cực vào sự tăng trưởng liên tục, ổn định và khống chế tỉ lệ lạm phát ở mức hợp lý.
Đối với một quốc gia, việc tăng trưởng kinh tế là một trong những mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất. Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thông thường Ngân hàng Trung ương sẽ thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng. Trong khuôn khổ này, việc giảm lãi suất thị trường là một trong những biện pháp được ưu tiên nhằm khuyến khích đầu tư và chi tiêu trong nền kinh tế.
Việc này cũng sẽ bao gồm việc mở rộng cung ứng tiền, nhằm tăng khả năng đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho các hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mặc dù chính sách tiền tệ mở rộng có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế, song nó cũng có mối tương quan mật thiết với tỉ lệ lạm phát. Trong quá trình kích thích tăng trưởng, có khả năng lạm phát sẽ tăng cao. Điều này đặt ra thách thức đối với Ngân hàng Trung ương trong việc cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Ngược lại, khi nền kinh tế của một quốc gia có sự phát triển thái quá khiến lạm phát ngày càng gia tăng thì chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ được áp dụng nhằm đối phó với lạm phát và duy trì sự ổn định tài chính. Việc thực hiện các chính sách thắt chặt tiền tệ như tăng lãi suất, giảm mua chứng khoán, hoặc tăng tỉ lệ dự trữ yêu cầu có thể góp phần kiểm soát cung tiền trong nền kinh tế, từ đó giảm tỉ lệ lạm phát của quóc gia.
Tóm lại, chính sách tiền tệ là rất quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tùy thuộc vào yêu cầu và bối cảnh kinh tế của từng quốc gia trong từng thời kỳ. Tuy nhiên, Nhà nước cần cân nhắc phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với các chính sách khác như: chính sách tài khóa, chính sách đầu tư…và phải có chiến lược dài hạn để duy trì được tỉ lệ lạm phát ở mức hợp lý và sự phát triển ổn định của quốc gia.
Hãy sử dụng WiChart để đưa ra quyết định tài chính thông minh và chiến lược dự trên dữ liệu tài chính. Tham gia ngay khóa học Phân tích vĩ mô của WiGroup để hiểu rõ hơn nhé.