Lạm phát là một hiện tượng kinh tế phức tạp, đã và đang để lại những tác động đáng kể đến cuộc sống hằng ngày của mỗi chúng ta. Đối với người tiêu dùng, lạm phát không chỉ là một con số thống kê, mà còn là một yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến tài chính cá nhân và hành vi mua sắm. Hãy cùng WiGroup tìm hiểu kĩ hơn về những tác động của lạm phát đến người tiêu dùng thông qua bài viết này nhé!

Tác động của lạm phát đến người tiêu dùng

Lạm phát là sự gia tăng liên tục về mức giá trung của hàng hóa và dịch vụ của một quốc gia trong một khoảng thời gian nhất đinh, khiến cho đồng tiền bị mất giá. Điều này có thể gây nên một số tác động tiêu cực đối với người tiêu dùng, bao gồm:

  • Giảm sức mua: Khi lạm phát xảy ra, người tiêu dùng sẽ phải chi trả nhiều tiền hơn cho cùng một lượng hàng hóa và dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến việc người tiêu dùng phải tính toán lại và cắt giảm chi tiêu, đặc biệt là đối với những mặt hàng không thiết yếu.

  • Tăng giá cả: Lạm phát thường đi kèm với sự gia tăng giá cả trên mặt bằng chung, được thể hiện thông qua việc chỉ số giá tiêu dùng CPI tăng cao, kể cả đối với những mặt hàng và dịch vụ thiết yếu như thực phẩm, năng lượng hay nhà ở. Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với khó khăn khi chi phí sinh hoạt tăng lên, đặc biệt là đối với những người có thu nhập thấp và thu nhập cố định.

  • Giảm giá trị của tiền tiết kiệm: Lạm phát làm giảm giá trị của tiền tệ, khiến giá trị tiền tiết kiệm thực tế của người tiêu dùng cũng bị giảm so với trước lạm phát.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ - WiChart

Tác động của lạm phát đến hành vi mua sắm

Chính vì tác động đa chiều của nó, lạm phát là nguồn gốc của nhiều sự thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng. Trong đó, đáng chú ý nhất là những sự biến động trong thói quen mua sắm và ưu tiên mua sắm của người dân.

Thay đổi thói quen mua sắm

Lạm phát sẽ làm tăng áp lực tài chính đối với người tiêu dùng. Sự thiếu ổn định trong mặt bằng giá cả có thể khiến người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn khi mua sắm. Trong thời kì lạm phát, người tiêu dùng sẽ có xu hướng cân nhắc kỹ lưỡng hơn trước khi đưa ra quyết định chi tiêu, đồng thời chờ đợi giảm giá hoặc tìm kiếm các ưu đãi đặc biệt nhằm tối thiểu hóa chi phí.

Tuy nhiên, khi người tiêu dùng dự đoán rằng lạm phát sẽ tiếp tục tăng trong tương lai, họ cũng sẽ có xu hướng tăng cường hoạt động mua sắm để đề phòng trường hợp đồng tiền bị mất giá trị. Nói cách khác, nếu tình trạng lạm phát tiếp diễn, với cùng một khoản tiền, người tiêu dùng sẽ chi trả được cho ít hàng hóa và dịch vụ hơn trong tương lai, do đó họ sẽ ưu tiên mua sắm nhiều hơn ở thời điểm hiện tại. Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ giá trị tiền mình đang có, một số người tiêu dùng có thể chuyển hướng từ mua sắm hàng ngày sang đầu tư để kiếm thêm lợi nhuận.

Thay đổi ưu tiên mua sắm

Khi đối mặt với sự gia tăng giá cả, người tiêu dùng thường phải điều chỉnh ưu tiên mua sắm của họ để tránh lãng phí không đáng có. Các mặt hàng cần thiết để phục vụ nhu cầu cơ bản sẽ được ưu tiên hơn các sản phẩm và dịch vụ không thiết yếu, chẳng hạn như thời trang hoặc giải trí. Người tiêu dùng cũng có thể mua sắm những tài sản mang giá trị cao và có khả năng tích trữ dài hạn, chẳng hạn như vàng, nhằm giữ vững giá trị tài sản.

Theo dõi giá cả hàng hóa thị trường - WiChart

Một số biện pháp đối phó với lạm phát

Để đối phó với tình trạng lạm phát và bảo vệ giá trị tài sản cá nhân, người tiêu dùng có thể thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Tìm hiểu, so sánh giá cả: Bằng cách nắm rõ xu hướng giá cả của các sản phẩm dịch vụ quan trọng, người tiêu dùng có thể lên kế hoạch mua sắm một cách khôn ngoan. Mua sắm theo mùa, đặc biệt là với những mặt hàng không thực sự thiết yếu như quần áo hay đồ điện tử sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm tiền. Trước khi mua, người tiêu dùng cũng nên so sánh giá cả giữa các mặt hàng, dịch vụ có cùng chất lượng với nhau và chú ý đến các chương trình khuyến mãi, giảm giá để có thể đưa ra lựa chọn mua sắm tối ưu nhất. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng có thể chủ động đàm phán khi mua sắm để có thể được mua với giá tốt hơn. Nhiều cửa hàng có thể sẵn lòng thương lượng giá, đặc biệt là trong các thời kỳ khó khăn về kinh tế.

  • Quản lý tài chính cá nhân: Kiến thức về cách quản lý tài chính cá nhân hiệu quả sẽ là một công cụ đắc lực đối với người tiêu dùng khi đồng tiền bị mất giá. Khi xem xét điều chỉnh ngân sách cá nhân trong thời kỳ lạm phát, người tiêu dùng nên phân bổ chi tiêu hợp lí, ưu tiên cho những nhu cầu cơ bản và giảm bớt các khoản chi không thiết yếu. Ngoài ra, xây dựng một quỹ tiết kiệm dự trữ để đối phó với những chi phí phát sinh cũng là một biện pháp hữu hiệu nhằm duy trì sự ổn định tài chính trong tình hình kinh tế biến động.

  • Chủ động gia tăng thu nhập: Người tiêu dùng có thể xem xét tìm kiếm nguồn thu nhập phụ để đảm bảo thêm cho nguồn thu nhập sẵn có của mình. Nếu có đủ kiến thức và khả năng, người tiêu dùng cũng có thể thử tìm kiếm các cơ hội đầu tư nhằm kiếm thêm lợi nhuận.

  • Theo dõi chính sách của chính phủ: Chính phủ có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát lạm phát như tăng lãi suất hoặc giảm chi tiêu chính phủ. Việc theo dõi và hiểu rõ các chính sách này có thể giúp người tiêu dùng dự đoán được những tác động của chúng lên tài chính cá nhân.

Có thể thấy, lạm phát là một hiện tượng kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng đến cuộc sống đời thường của người tiêu dùng. Việc hiểu rõ tác động của lạm phát đến hành vi mua sắm có thể giúp người tiêu dùng bảo vệ được giá trị tài sản của mình và đưa ra những quyết định tài chính phù hợp hơn.

Hãy sử dụng WiChart để đưa ra quyết định tài chính thông minh và chiến lược dự trên dữ liệu tài chính.