Lãi suất không chỉ là chỉ số quyết định về chi phí vốn mà còn có tác động sâu rộng đến các khía cạnh khác của nền kinh tế, như đầu tư, tiêu dùng, tiết kiệm, thị trường chứng khoán, hay thậm chí là lạm phát. Vì thế, trong bối cảnh toàn cầu với sự biến đổi liên tục, việc nắm bắt mối tương quan giữa lãi suất và sự phát triển kinh tế là vô cùng quan trọng để các quốc gia và chính phủ có thể thúc đẩy tăng trưởng bền vững và duy trì sự ổn định tài chính. Bên dưới là một số những tác động của lãi suất đối với sự phát triển của nền kinh tế.

Tác động của lãi suất đối với nền kinh tế

Tác động của lãi suất đối với tiền tệ và lạm phát

Mối quan hệ giữa lãi suất với lạm phát là một trong những yếu tố cơ bản của chính sách tiền tệ trong nền kinh tế vĩ mô. Việc điều chỉnh lãi suất là công cụ quan trọng giúp Nhà nước kiểm soát tốc độ lạm phát và tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế.

Khi ngân hàng nhà nước tăng lãi suất, người dân sẽ có xu hướng gửi tiết kiệm trong ngân hàng để lấy lãi, do đó nhu cầu tiêu dùng cũng giảm xuống, dẫn đến việc hàng hóa trong nền kinh tế ít có nguy cơ tăng cao. Điều này cũng làm giảm lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường, ảnh hưởng tích cực đến đồng tiền của quốc gia. Nhờ vậy và tỉ lệ lạm phát của quốc gia đó sẽ thấp.

Ngược lại, khi ngân hàng nhà nước nới lỏng tiền tệ và giảm lãi suất, tức là lãi suất trên các khoản vay cũng giảm theo. Điều này giúp thu hút người dân quan tâm hơn đến việc vay vốn. Nhờ đó, mức tiêu dùng và lượng tiền tệ lưu thông trên thị trường cũng tăng lên. Tuy nhiên, lượng tiền cao với giá rẻ sẽ làm giảm giá trị đồng tiền của quốc gia so với ngoại tệ khác, dẫn đến tăng tỉ lệ lạm phát của quốc gia đó.

Tác động của lãi suất đối với quá trình đầu tư

Lãi suất có ảnh hưởng quan trọng đối với quá trình đầu tư của cả doanh nghiệp và nhà đầu tư cá nhân. Lãi suất thấp có xu hướng thu hút việc vay vốn do các khoản vay trở nên rẻ hơn. Các công ty có thể vay vốn với chi phí thấp để mở rộng sản xuất, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nghiên cứu phát triển sản phẩm hoặc mở rộng thị trường. Điều này thường thúc đẩy đầu tư và tạo ra sự tăng trưởng kinh tế.

Tương tự đối với quyết định của các nhà đầu tư cá nhân, khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có xu hướng tìm đến những kênh mang lại nhiều lợi nhuận hơn việc gửi tiền vào ngân hàng. Như thế, thị trường cổ phiếu trở thành nơi các nhà đầu tư dễ tiếp cận nhờ mức thanh khoản cao và không đòi hỏi quá nhiều vốn.

Tác động của lãi suất đối với tiêu dùng và tiết kiệm

Như đã đề cập ở trên, lãi suất có ảnh hưởng lớn đến quyết định tiêu dùng và tiết kiệm của người dân. Lãi suất cao thường làm tăng chi phí vay tiền, từ đó làm giảm khả năng chi tiêu của người tiêu dùng. Khi lãi suất tăng, việc vay vốn để mua nhà, ô tô hoặc sử dụng thẻ tín dụng trở nên đắt đỏ hơn, dẫn đến việc giảm đi sức mua hàng tiêu dùng. Vì thế, các hoạt động mua sắm hàng hóa tiêu dùng hàng ngày hoặc các khoản chi tiêu lớn như mua nhà, đầu tư vào giáo dục, hoặc làm đẹp thường được thúc đẩy khi lãi suất thấp.

Đối với tiết kiệm, lãi suất cao thường tạo động lực để người dân tiết kiệm hơn vì lợi ích tối đa mà họ có thể thu được từ khoản tiền gửi ngân hàng. Ngược lại, lãi suất thấp có thể làm giảm sự động lực tiết kiệm vì lợi suất trở nên ít hấp dẫn hơn.

Tác động của lãi suất đối với thị trường chứng khoán và bất động sản

Đối với thị trường chứng khoán 

Khi lãi suất trong nước tăng, người dân và các nhà đầu tư có xu hướng tìm đến gửi tiết kiệm ngân hàng vì mức độ rủi ro thấp và lợi tức cao, tức là những thị trường chứng khoán, cụ thể là cổ phiếu, sẽ trở nên kém thu hút. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất trong nước có vai trò thu hút vốn ngoại tệ, gián tiếp làm đồng nội tệ lên giá, điều đó làm hạ tỉ giá hối đoái. Khi đó, những nhà xuất khẩu sẽ gặp khó khăn vì hàng hóa xuất khẩu khẩu lúc này sẽ đắt hơn trước. Do đó doanh thu của các doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến ảnh hưởng đến kỳ vọng về lợi nhuận của công ty, làm giá cổ phiếu của công ty trên thị trường giảm xuống.

Mặt khác, lãi suất thị trường còn là yếu tố quan trọng trong việc định giá các chứng khoán có lãi suất cố định như trái phiếu. Cụ thể, khi lãi suất tăng, giá trị của các trái phiếu hiện có giảm xuống vì các trái phiếu mới phát hành sẽ có lãi suất cao hơn, khiến cho các trái phiếu cũ giảm đi để cân bằng lợi suất.

Đối với thị trường bất động sản

Một trong những tác động lớn nhất của lãi suất lên thị trường bất động sản là khả năng mua nhà. Không phải ai cũng có đủ năng lực về tài chính để có thể thanh toán liền và đầy đủ các khoản mua nhà, vì thế nhiều nhà đầu tư chọn việc vay vốn làm đòn bẩy tài chính trong việc mua bán bất động sản. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng cao, việc mua bán nhà trở nên khó khăn hơn do người mua e ngại về khả năng chi trả các khoản lãi lớn. 

Không chỉ thế, lãi suất tăng cũng gây nhiều bất lợi về phía người bán do giá trị của những ngôi nhà có thể giảm xuống vì người mua nhà không chấp nhận trả những khoản đắt đỏ để sở hữu tài sản.

Kết luận

Có thể nói, lãi suất có mối quan hệ sâu rộng đối với tình hình phát triển kinh tế, là một trong những yếu tố cơ bản ảnh hưởng đến hệ thống tài chính và kinh tế của một quốc gia. Việc điều chỉnh lãi suất thường được coi là một công cụ quan trọng để kiểm soát tốc độ tăng trưởng kinh tế, ổn định tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên khi điều chỉnh lãi suất, các quốc gia và chính phủ cần phải xem xét đến các yếu tố khác như chính sách tài khóa, điều chỉnh tiền tệ và ảnh hưởng của các yếu tố toàn cầu để có thể đưa ra quyết định khách quan và chính xác nhất.