Việc đọc báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp là điều bắt buộc mà ta phải làm trước khi ra quyết định đầu tư một công ty, bởi vì đọc báo cáo phân tích giúp ta phát hiện được 2 vấn đề cốt lõi:
Kiểm tra sức mạnh, lợi thế cạnh tranh "moat" của doanh nghiệp
Kiểm tra thủ thuật kế toán của BLĐ.
Hôm nay, mình sẽ tập trung vào phân tích các chỉ tiêu đánh chú ý trên bảng báo cáo KQKD của một doanh nghiệp, bao gồm 5 tiêu chí sau đây:
1. Tăng trưởng lợi nhuận cao đột biến và mang tính ngắn hạn
Khi đánh giá một doanh nghiệp, thứ mà NĐT thường quan tâm đầu tiên là lợi nhuận doanh nghiệp có tăng trưởng không. Song nếu lợi nhuận tăng trưởng cao đột biến và bất thường, với mức tăng lên đến 100%, 150%, 200% so với mức tăng trưởng của nền kinh tế, so với ngành thì mức tăng trưởng này quá báo động. Ví dụ một số nhóm cổ phiếu thuộc nhóm ngành BĐS Dân cư Q2.2023 là một ví dụ điển hình.

Ngoài ra, NĐT cần phải quan tâm đến chất lượng lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu những khoản lợi nhuận này đến từ những khoản mục không mang tính bền vững cao và không liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, như lợi nhuận khác hay lợi nhuận tài chính, thì hãy cẩn trọng.
Có rất nhiều thủ thuật như bán công ty con, đánh giá lại tài sản, hoàn nhập dự phòng,.. Chẳng hạn một số Case HAG, FLC, CII,... là những doanh nghiệp thường xuyên có tăng trưởng đến từ "doanh thu tài chính".

2. Dòng tiền hoạt động kinh doanh và dòng tiền tự do
Nếu chúng ta chỉ nhìn vào dòng tiền để đánh giá doanh nghiệp là tốt hay xấu là chưa đủ. Bởi nếu ta nhìn theo hướng tích cực, dòng tiền âm có thể doanh nghiệp đang trong giai đoạn mở rộng thị phần, buộc tăng quy mô bằng cách liên tục mua nguyên vật liệu, tăng tồn kho,...
Nhưng nếu nhìn theo hướng tiêu cực thì doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, hoặc bán hàng nhưng không thu được tiền,.. Ví dụ cổ phiếu ABS có dòng tiền từ HDKD liên tục âm trong khi LNST ghi nhận giá trị dương.
Vậy làm sao để đánh giá được dòng tiền của doanh nghiệp là tốt hay xấu ? Thứ nhất, mọi nguời luôn phải lưu ý dòng tiền từ hoạt động kinh doanh có tương quan với lợi nhuận ròng của doanh nghiệp không, đồng thời đánh giá xu hướng dòng tiền tự do của doanh nghiệp qua các năm một cách đều đặn.

3. Chỉ số suất sinh lời trên vốn đầu tư (ROE, ROA, ROIC)
Nếu để đánh giá một doanh nghiệp có phải là một cơ hội đầu tư tốt hay không thì không có chỉ số tài chính đánh giá Hiệu quả kinh doanh nào quan trọng hơn tỷ suất sinh lợi trên vốn đầu tư, bao gồm các chỉ số như ROA, ROE, ROIC.
Thật vây, nếu một công ty tạo ra được một chỉ số ROE cao và bền vững thì điều này chứng minh 2 thứ:
Lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đó cao hơn so với doanh nghiệp khác, ngành;
Giữ được mức ROE cao qua các năm, chứng tỏ công ty đã giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận khá tốt qua các năm.
Tuy nhiên, NĐT cũng cần đặc biệt cẩn trọng đối với những doanh nghiệp có mức ROE cao đột biến và bất thường trong thời gian ngắn do lợi nhuận đến từ các yếu tố bất thường, chi phí trích lập không đủ,...Trường hợp hay gặp thuộc các doanh nghiệp ngành bất động sản (SJS, VC3,..) hay các doanh nghiệp hay định giá lại công ty như CII và các doanh nghiệp có tính chu kỳ cao (HPG, HSG,..)
Đối với doanh nghiệp ít nợ vay và nhiều tiền mặt thì sử dụng chỉ số ROE như là một phương pháp để đánh giá suất sinh lời trên vốn đầu tư là phù hợp (các ngành tiêu dùng thiết yếu)
Tương quan giữa chỉ số ROE và cơ cấu lợi nhuận của doanh nghiệp SJS
Mặc khác, chỉ tiêu ROIC - cũng được coi là một trong những chỉ số quan trọng nhất để ra quyết định kinh doanh và đầu tư. Trong trường hợp này, doanh nghiệp sử dụng nhiều nợ vay sẽ phù hợp đối với phương pháp này.
Công thức tính toán ROIC:
EBIT*(1-t)/(Vốn chủ + Nợ vay)
Với tỷ suất ROIC trung bình của các doanh nghiệp trên thị trường nằm trong khoảng từ 12%-14% và lãi tiền gửi là 7%, thì chúng tôi cho rằng một doanh nghiệp tốt phải có ROIC tối thiểu 20%, trong khi một doanh nghiệp vượt trội phải có mức ROIC trên 30%

Vì vậy, nếu chúng ta hiểu được tầm quan trọng của tỷ suất sinh lời, thì ta sẽ tìm ra được doanh nghiệp vượt trội so với các doanh nghiệp khác. Và ắt hẳn ta sẽ tránh xa được các case như VIC, MSN, AAA,....
4. Các chỉ tiêu về kinh doanh
Ngoài việc cẩn trọng với các khoản lợi nhuận đột biến, dòng tiền và ROIC, chúng ta còn xem thêm các chỉ tiêu kinh doanh khác để đánh giá khách quan với các đối thủ cạnh tranh trong ngành cũng như khả năng quản trị của ban lãnh đạo.
Các chỉ tiêu này bao gồm như: ngành ngân hàng chúng tôi sẽ xem tỷ trọng lĩnh vực cho vay, chứng khoán sẽ chú trọng vào mảng môi giới và cho vay, ngành bán lẻ sẽ xem xét doanh thu/cửa hàng,...
Song đối với hầu hết các doanh nghiệp, chúng ta cần theo dõi biên lợi nhuận hoạt động, nhằm đánh giá khả năng kiểm soát chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của ban quản trị. Chúng tôi cho rằng những ban lãnh đạo tiết kiệm, luôn hành động vì cổ đông thường cố gắng tiết giảm chi phí SG&A này xuống mức tối giản nhất thay vì phung phí một cách kém hiệu quả.
5. Tỷ lệ trích chi phí khen thưởng – phúc lợi
Tỷ lệ trích quỹ khen thưởng – phúc lợi là một trong những chỉ số vô cùng quan trọng mà NĐT cần quan tâm. Bởi vì, chỉ tiêu này có ảnh hưởng trực tiếp vào EPS thực của cổ phiếu và từ đó tác động đến định giá của doanh nghiệp.
Ví dụ doanh nghiệp Chuyển phát nhanh Bưu điện (EMS). Trong đại hội cổ đông năm 2018, EMS trình trích quỹ khen thưởng phúc lợi lên đến 60% LNST của năm 2017 – tương ứng giảm EPS thực cho cổ đông của EMS từ mức 4,500đ/cp xuống còn 1,800đ/cp, ngay lập tức làm sụt giảm gần 30% giá cổ phiếu trên sàn.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như HVN, SAB, VNM, GAS, VCB đều trích quỹ khen thưởng, phúc lợi rất cao trong khi EPS của công ty chưa loại trừ ra – dẫn đến mức định giá P/E thực cao ngất ngưởng trên thị trường,...
