Tìm hiểu lãi suất thị trường là gì?

Lãi suất thị trường là mức lãi suất trung bình mà các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng áp dụng cho các khoản cho vay trên thị trường tài chính. Đây là một trong những yếu tố quan trọng nhất đối với nền kinh tế, bởi lãi suất có khả năng tác động đến chi phí vốn của doanh nghiệp, giá cả tài sản và quyết định đầu tư của từng cá nhân.

Những yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất thị trường

Yếu tố kinh tế

Lạm phát

Mối quan hệ giữa lạm phát và lãi suất thị trường khá phức tạp. Nhìn chung, mức lạm phát cao sẽ dẫn đến lãi suất tăng cao và ngược lại. Nguyên nhân của điều này là do lạm phát tăng sẽ làm giảm giá trị thực của đồng tiền, kéo theo một số tác động như:

  • Các nhà đầu tư và người cho vay sẽ yêu cầu mức lãi suất cao hơn để bù đắp cho rủi ro mất giá.

  • Trong nỗ lực kiểm soát lạm phát, ngân hàng trung ương có thể sẽ nâng mức lãi suất cơ bản mà họ áp dụng để cho vay đối với các ngân hàng thương mại nhằm giảm nguồn cung tiền ra thị trường. Khi lãi suất cơ bản tăng, lãi suất thị trường sẽ có xu hướng tăng theo.

GDP

Khi GDP tăng trưởng cao, nhu cầu về vốn vay cũng sẽ tăng lên, đặc biệt là từ các cá nhân và doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư và mở rộng kinh doanh, sản xuất. Nhu cầu vốn vay tăng lên có thể dẫn đến sự gia tăng trong lãi suất thị trường.

Ngược lại, nếu tăng trưởng GDP giảm, nhu cầu vay và đầu tư cũng sẽ giảm, dẫn đến sự sụt giảm trong lãi suất thị trường. Ngoài ra, các dự đoán về GDP cũng sẽ ảnh hưởng đến lãi suất, bởi vì các nhà đầu tư thường dựa vào dự báo về tình hình kinh tế trong tương lai để đề ra mức lãi suất cho vay.

Thị trường lao động

Khi thị trường lao động có tỷ lệ thất nghiệp thấp và nhu cầu nhân công cao, điều này có thể dẫn đến việc doanh nghiệp cần phải tăng lương cho người lao động. Áp lực tăng lương đồng nghĩa với việc chi phí của doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.

Doanh nghiệp thường bù đắp cho phần chi phí này bằng cách tăng giá bán ra của các sản phẩm hoặc dịch vụ, dẫn đến lạm phát. Lạm phát tăng sẽ kéo theo lãi suất tăng cao. Theo hướng tư duy này, khi thị trường có tỷ lệ thất nghiệp cao, lãi suất thị trường sẽ có xu hướng giảm.

Tỷ lệ thất nghiệp cả nước - WiChart

Yếu tố thị trường

Cung và cầu về tiền tệ

Về bản chất, lãi suất thị trường luôn được xác định bởi sự cân bằng giữa cung và cầu về tiền tệ. Khi nguồn cung tiền tăng lên, lãi suất thị trường sẽ giảm xuống để kích thích việc vay tiền và tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, khi cung tiền tệ giảm xuống, lãi suất thị trường thường có xu hướng tăng lên nhằm thu hút đầu tư.

Tình hình kinh tế toàn cầu

Tình hình kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến lãi suất thị trường theo nhiều cách, tiêu biểu như:

  • Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng, nhu cầu về hàng hóa, dịch vụ cũng như nhu cầu vay vốn sẽ tăng lên. Điều này có thể dẫn đến tăng lãi suất thị trường toàn cầu.

  • Nguy cơ khủng hoảng tài chính: Các sự kiện khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể tạo ra biến động lớn trong lãi suất thị trường. Trong thời kì khủng hoảng tài chính, các nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm các kênh đầu tư tài sản an toàn hơn, chằng hạn như trái phiếu chính phủ. Điều này dẫn đến việc lãi suất trái phiếu tăng cao, đồng thời khiến cho người có nhu cầu vay tiền gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Trong trường hợp này, các ngân hàng trung ương có thể phải can thiệp để hỗ trợ thị trường và duy trì ổn định bằng cách điều chỉnh lãi suất.

  • Rủi ro địa chính trị: Các yếu tố rủi ro toàn cầu, chẳng hạn như chiến tranh và xung đột, có thể dẫn đến giảm tăng trưởng kinh tế và gia tăng lạm phát. Điều này có thể khiến các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và thúc đẩy hoạt động đầu tư.

  • Chính sách tiền tệ quốc tế: Các thay đổi trong quyết định về lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn, chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên Bang Hoa Kỳ (Federal Reserve - Fed) hoặc Ngân hàng Trung ương châu Âu (European Central Bank - ECB) có thể lan rộng và tác động đến các thị trường lãi suất khác nhau trên toàn cầu.

Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là các công cụ mà ngân hàng trung ương sử dụng để điều chỉnh nguồn cung tiền và lãi suất trong nền kinh tế. Một số công cụ chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng đến lãi suất thị trường bao gồm:

  • Lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn: Đây là mức lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả cho ngân hàng trung ương để vay tiền. Khi mức lãi suất này tăng lên, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng sẽ tăng lên, dẫn đến tăng lãi suất thị trường.

Lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn - WiChart
  • Tỷ lệ dự trữ bắt buộc: Đây là tỷ lệ mà các ngân hàng thương mại bắt buộc phải giữ lại từ số tiền gửi của khách hàng. Khi ngân hàng trung ương tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, ngân hàng thương mại sẽ có ít tiền hơn để cho vay và đầu tư, dẫn đến tăng lãi suất thị trường và ngược lại.

  • Mua bán trái phiếu: Ngân hàng trung ương có thể bơm tiền vào nền kinh tế bằng cách mua trái phiếu trên thị trường mở, từ đó dẫn đến việc giảm lãi suất thị trường. Ngược lại, khi ngân hàng trung ương bán trái phiếu, lãi suất thị trường sẽ tăng.

Lãi suất điều hành - WiChart

Chính sách thuế

Chính phủ có thể tăng thuế để kiềm chế lạm phát, dẫn đến việc tăng lãi suất thị trường. Ngược lại, lãi suất thị trường cũng có thể giảm nếu chính phủ chủ trương giảm thuế để kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trên thực tế, có rất nhiều yếu tố có mối quan hệ phức tạp và tương hỗ lẫn nhau ảnh hưởng đến lãi suất thị trường. Các yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và dự đoán mức lãi suất mà người vay tiền và nhà đầu tư phải đối mặt. Vì thế, hiểu được cách những yếu tố này tương tác với nhau sẽ giúp cho các cá nhân và doanh nghiệp nhận định được rõ tình hình lãi suất thị trường, từ đó có thể đưa ra được các quyết định tài chính chuẩn xác hơn.

Xem thêm dữ liệu tài chính đáng tin cậy và công cụ phân tích mạnh mẽ trên WiChart.