Trong lĩnh vực tài chính, lãi suất và lợi suất là hai khái niệm khác biệt song có mối liên hệ mật thiết với nhau. Đặc biệt, hiểu biết về sự khác nhau giữa lãi suất và lợi suất sẽ giúp nhà đầu tư định giá và đầu tư trái phiếu hiệu quả hơn.

Lãi suất là gì?

Lãi suất (Interest rate) là tỷ lệ phần trăm quyết định số tiền lãi mà người vay phải trả cho người cho vay trong một khoảng thời gian nhất định. Cụ thể, lãi suất là tỷ lệ phần trăm trên tiền gốc phải trả cho một số lượng nhất định của thời gian mỗi thời kỳ. Lãi suất thường được áp dụng trong trường hợp vay vốn, thẻ tín dụng, hay các khoản vay cá nhân.

Tiền lãi có thể được trừ (chiết khấu) khỏi tổng số tiền cho vay tại thời điểm bắt đầu hoặc cộng thêm vào thời điểm kết thúc. Dù hình thức thanh toán thế nào đi nữa, tỷ lệ lãi suất (interest rate) trên tổng số tiền cho vay phải được thỏa thuận và cố định ở thời điểm công cụ nợ bắt đầu có hiệu lực.

Với trái phiếu, thường có thời hạn dài hơn hai năm, tiền lãi được trả định kỳ theo một tỷ lệ cố định thỏa thuận ở thời điểm phát hành. Số lãi này có thể trả hàng năm (như trái phiếu chính phủ Đức) hay hai lần một năm (trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh, Nhật, Úc). Trước kia, trái phiếu thường được phát hành dưới dạng một tờ chứng chỉ đính kèm một số tem đúng bằng số lần trả lãi định kỳ.

Mỗi lần chủ của tờ trái phiếu đến lấy tiền lãi, nhà phát hành sẽ cắt một tờ tem khỏi cuống trái phiếu để xác nhận đã thanh toán lần trả lãi đó. Trong tiếng Anh tờ tem này gọi là coupon nên mặc dù hiện giờ trái phiếu đã được điện tử hóa hoàn toàn người ta vẫn dùng thuật ngữ này để chỉ lãi suất định kỳ của một loại trái phiếu.

Công thức tính lãi suất trái phiếu:

C = Lãi suất hằng năm/Mệnh giá gốc của trái phiếu = i/P

Trong đó:

●     C là coupon rate - lãi suất trái phiếu

●     i là annual coupon payment - lãi suất hằng năm

●     P là bond face value - mệnh giá gốc của trái phiếu

Ví dụ, mua trái phiếu với mệnh giá 1 triệu đồng, được trả lãi 2 năm/lần, với số tiền là 50,000 VNĐ, vậy thì lãi suất sẽ là:

C = 25,000 : 1,000,000 = 2.5%.

Vậy lãi suất của trái phiếu này sẽ là 2.5%/năm hay 5%/ 2 năm.

Lợi suất là gì?

Lợi suất đầu tư (Yield) là khoản thu nhập lợi tức thu được từ danh mục đầu tư và thông thường, lợi suất sẽ tồn tại dưới hình thức trả lãi hoặc cổ tức. Đối với trái phiếu, lợi suất (Bond Yield) dùng để mô tả lợi tức đầu tư mà nhà đầu tư có thể mong đợi từ trái phiếu. Nó là thước đo khả năng sinh lời của trái phiếu và được biểu thị bằng phần trăm mệnh giá của trái phiếu.

Lợi suất không chỉ bao gồm lãi suất mà còn tính đến các thành phần khác như cổ tức, tăng trưởng giá trị tài sản, hay các lợi ích khác từ đầu tư. Do vậy, lợi suất Yield đo lường lợi tức thực tế của một chứng khoán trong một khoảng thời gian nhất định. Lợi suất Yield đại diện cho dòng tiền được trả lại cho nhà đầu tư, thường được thể hiện trên cơ sở hàng năm. Lợi suất được tính bằng cách xác định tỷ lệ hoàn vốn nội tại (internal rate of return) của dòng tiền (cashflow) do trái phiếu đem lại.

Công thức tính lợi suất trái phiếu:

Lợi suất trái phiếu  = Tiền lãi hằng năm/Giá trái phiếu.

Ví dụ: Khi khách hàng mua trái phiếu với mệnh giá là 2.000.000 đồng và lúc này sẽ nhận được lãi là 100.000 đồng/năm. Do đó, lợi suất trái phiếu sẽ là 100.000/2.000.000 = 5%.

Mặc dù báo chí và giới học thuật nhắc nhiều đến khái niệm lợi suất, cần lưu ý đây chỉ là một quy ước thị trường để tiện so sánh, khi mua bán trái phiếu người ta phải quy đổi ra giá giao dịch chứ không dùng lợi suất. Tuy nhiên giá mà các công ty chứng khoán chào hoặc được niêm yết trên các sàn giao dịch chưa phải là giá cuối cùng bên mua phải thanh toán.

Giá niêm yết thường được gọi là giá sạch (clean price) nghĩa là giá chưa tính đến phần tiền lãi định kỳ tích lũy kể từ lần thanh toán gần nhất. Thị trường trái phiếu niêm yết giá sạch để tránh tình trạng giá bị giảm đột biến sau khi lãi suất định kỳ được chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu hiện tại. Sau khi đã thỏa thuận mua bán, người mua sẽ phải thanh toán theo giá toàn phần (full price/dirty price) bằng giá sạch cộng với phần lãi suất tích lũy.

Ví dụ một nhà đầu tư bỏ ra 100.000.000 đồng mua lô trái phiếu chính phủ thời hạn 10 năm, lãi suất 3%/năm vào năm 2015 và tới năm 2018 người đó muốn bán lại số trái phiếu này. Khi đó lãi suất và ngày đáo hạn không thay đổi nhưng giá của lô trái phiếu đó có thể cao hoặc thấp hơn con số 100.000.000 đồng mà nhà đầu tư đó đã bỏ ra, do đó lợi suất Yield có thể khác với lãi suất ghi trên trái phiếu.

Sự khác nhau giữa lãi suất và lợi suất

Có thể thấy, lãi suất và lợi suất tuy có liên quan tới nhau, đặc biệt trong trái phiếu nhưng có những sự khác nhau cơ bản. Thứ nhất, lãi suất sẽ là cố định, được ấn định ở thời điểm phát hành. Trong khi đó, do lợi suất trái phiếu được quyết định bởi sự thay đổi giá của trái phiếu, mà giá trái phiếu thay đổi theo cung cầu hàng ngày. Vậy nên lợi suất của một loại trái phiếu cũng thay đổi chứ không cố định như lãi suất định kỳ.

Lãi suất thường liên quan tới việc vay vốn và trả nợ, lợi suất thường được sử dụng để đo lường hiệu suất và sinh lời từ các hoạt động đầu tư. Sự khác biệt giữa chúng thể hiện trong cách mà chúng ảnh hưởng đến tài chính cá nhân và doanh nghiệp, đồng thời làm nổi bật tính đa dạng và phức tạp của hệ thống tài chính hiện đại.

Bảng so sánh sự giống và khác nhau giữa lãi suất và lợi suất

Đặc điểm

Lãi suất

Lợi suất

Định nghĩa

Giá của tiền vay trong một khoảng thời gian nhất định

Tỷ suất sinh lời của một khoản đầu tư trong một khoảng thời gian nhất định

Cách tính

Lãi suất = (Số tiền lãi / Số tiền gốc) x 100%

Lợi suất = (Lợi nhuận / Số vốn đầu tư) x 100%

Đơn vị tính

%/năm

%/năm

Đối tượng áp dụng

Người vay tiền, người gửi tiết kiệm

Người đầu tư

Loại hình

Lãi suất vay, lãi suất gửi tiết kiệm

Lợi suất đầu tư trái phiếu, lợi suất cổ tức, lợi suất quỹ đầu tư

Yếu tố ảnh hưởng

Lạm phát, rủi ro, nhu cầu vay vốn, nguồn cung tiền

Rủi ro, kỳ hạn đầu tư, tình hình thị trường

Tác động

Ảnh hưởng đến chi phí vay vốn, thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm

Ảnh hưởng đến lợi nhuận của khoản đầu tư

Truy cập WiChart ngay bây giờ và trở thành nhà đầu tư thông thái với dữ liệu tài chính tin cậy.