Phân tích báo cáo tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc đầu tư. Cùng WiGroup tìm hiểu về báo cáo tài chính và cách ứng dụng phân tích để đánh giá và ra quyết định đầu tư hiệu quả.

Giới thiệu chung về Báo cáo tài chính và Phân tích đầu tư

Giới thiệu về báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính (BCTC) là tài liệu quan trọng cung cấp thông tin về tình hình tài chính của một doanh nghiệp. BCTC đóng vai trò quan trọng trong quá trình đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp, và BCTC không chỉ là một tập hợp các con số mà còn là một tấm bản đồ cho thấy hướng đi của doanh nghiệp.

BCTC có ba phần chính, mỗi phần có vai trò và mục đích riêng biệt, cung cấp thông tin quan trọng về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của một tổ chức bao gồm:

Báo cáo Kết quả HĐKD (Income Statement)

Báo cáo Kết quả Kinh doanh tập trung vào các hoạt động tạo ra lợi nhuận trong một khoảng thời gian cụ thể (thường là một quý hoặc một năm). Nó thể hiện doanh thu, các loại chi phí và lãi/lỗ ròng của doanh nghiệp, được sử dụng để đánh giá hiệu suất tài chính của doanh nghiệp trong việc sinh lời và quản lý các chi phí hoạt động.

Bảng cân đối kế toán (Balance Sheet)

Báo cáo Tình hình Tài chính cho thấy tài sản, nợ và vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại một thời điểm cụ thể. Nó bao gồm thông tin về tài sản dài hạn, tài sản ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ ngắn hạn và vốn chủ sở hữu. Qua báo cáo này, nhà đầu tư có thể xác định giá trị tài sản, nợ và vốn của doanh nghiệp và cung cấp cái nhìn tổng quan về sự cân đối giữa tài sản và nợ của công ty.

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ (Cash Flow Statement)

Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ ghi lại các giao dịch tiền mặt của doanh nghiệp trong một khoảng thời gian cụ thể. Nó bao gồm tiền mặt từ hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Báo cáo được sử dụng để theo dõi và đánh giá luồng tiền vào (số dương) và ra (số âm, nằm trong ngoặc đơn) khỏi doanh nghiệp. Nó giúp xác định khả năng thanh toán nợ và quản lý tài chính của công ty.

Thuyết minh báo cáo tài chính

Thuyết minh báo cáo tài chính cho biết ngành nghề, hoạt động, và chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, cùng các lý giải cho các phần trên. Và nên được đọc song song với Bảng cân đối kế toán và Báo cáo Kết quả Hoạt động kinh doanh để hiểu bối cảnh thực tế của các con số. Từ đó nhà đầu tư có thể đánh giá xem các chỉ số có hợp lý với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp hay không.

Bảng báo cáo tài chính của ngân hàng HDB trên WiChart

Bảng báo cáo tài chính của ngân hàng HDB trên WiChart

Giới thiệu Phân tích đầu tư

Phân tích đầu tư là việc nghiên cứu và đánh giá một loại chứng khoán hoặc một ngành để xác định tiềm năng và mức độ phù hợp của chúng đối với nhà đầu tư mà có thể đi đến quyết định có nên đầu tư hay không.

Cụ thể, có 4 loại phân tích đầu tư thông dụng bao gồm phân tích từ dưới lên, từ trên xuống, cơ bản và kỹ thuật. Với các thông tin được doanh nghiệp công bố trong báo cáo tài chính, nhà đầu tư có thể thực hành phân tích, so sánh để đưa ra quyết định đầu tư phù hợp nhất.

Tầm quan trọng của báo cáo tài chính trong phân tích đầu tư

Báo cáo tài chính là căn cứ quan trọng trong việc phân tích, cung cấp những thông tin kinh tế, tài chính chủ yếu để đánh giá tình hình và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, thực trạng tài chính của doanh nghiệp trong kỳ hoạt động đã qua.

Các con số cần quan tâm khi đọc báo cáo tài chính

ROA (Return on Assets): Đo lường khả năng của công ty sinh lời từ tài sản. Chỉ số cao hơn cho thấy công ty sử dụng tài sản hiệu quả để tạo lợi nhuận.

ROA = Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản

Tài sản của một công ty được hình thành từ vốn vay và vốn chủ sở hữu. Cả hai nguồn vốn này được sử dụng để tài trợ cho các hoạt động của công ty. ROA cung cấp cho nhà đầu tư thông tin về các khoản lãi được tạo ra từ lượng vốn đầu tư (hay lượng tài sản).

ROA đối với các công ty cổ phần có sự khác biệt rất lớn và phụ thuộc nhiều vào ngành kinh doanh. Đó là lý do tại sao khi sử dụng ROA để so sánh các công ty, tốt hơn hết là nên so sánh ROA của mỗi công ty qua các năm và so giữa các công ty tương đồng nhau.

Tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản theo năm - ROA - WiChart

Ví dụ: công ty X có doanh thu ròng là 10 tỷ đồng, tổng tài sản là 50 tỷ đồng, khi đó tỷ lệ ROA là 20%. Công ty Y cũng có khoản doanh thu tương tự trên tổng tài sản là 100 tỷ đồng, ROA của Y sẽ là 10%. Như vậy, cùng mức lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng công ty X hiệu quả hơn.

ROE (Return on Equity): Đo lường khả năng sinh lời của công ty dựa trên vốn chủ sở hữu. Chỉ số cao hơn cho thấy công ty tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho các cổ đông.

ROE = Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ ROE càng cao chứng tỏ ban điều hành công ty sử dụng hiệu quả đồng vốn của cổ đông, vì vậy chỉ số này thường là một tiêu chí quan trọng để xem xét cơ hội đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.

Một nguyên tắc chung khi đánh giá doanh nghiệp là hướng tới các công ty có ROE bằng hoặc cao hơn mức trung bình ngành. Ví dụ: công ty A đã duy trì ROE ổn định là 18% trong vài năm qua so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 15%. Nhà đầu tư có thể kết luận rằng ban lãnh đạo của A đã sử dụng đồng vốn của cổ đông hiệu quả để tạo ra lợi nhuận trên mức trung bình.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu theo năm - ROE - WiChart

Ngoài ra, phân tích Dupont là một phương pháp phân tích tài chính tiêu biểu, giúp phân tích và hiểu rõ hơn về nguồn gốc của lợi nhuận của một doanh nghiệp. Phân tích Dupont thường sử dụng công thức sau để phân tách ROE thành các thành phần như sau

ROE = Profit Margin x Asset Turnover x Equity Multiplier

Phương pháp này phân tách tỷ suất lợi nhuận ròng (ROE) giúp nhà đầu tư và quản lý có thể hiểu rõ hơn về cách các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến lợi nhuận tổng thể của doanh nghiệp.

Biên lợi nhuận gộp (Gross profit margin): Đo lường lợi nhuận mà công ty thu được sau khi trừ đi chi phí sản xuất cũng như thể hiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Chỉ số cao hơn cho thấy công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính.

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/Doanh thu

Biên lợi nhuận ròng (Net profit margin): Đo lường lợi nhuận ròng sau khi trừ đi tất cả các chi phí. Chỉ số cao hơn cho thấy công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận ổn định và hiệu quả. Nếu doanh nghiệp phải bỏ ra một chi phí hoạt động lớn, thì biên lợi nhuận ròng sẽ càng nhỏ. Vậy, khi doanh nghiệp tối ưu được chi phí hoạt động thì sẽ có biên lợi nhuận lớn.

Biên lợi nhuận ròng = Lợi nhuận thuần/Doanh thu

Các chỉ số tài chính khi phân tích một doanh nghiệp - WiChart

Các chỉ số tài chính khi phân tích một doanh nghiệp

Nhóm các chỉ số thanh toán

Tỷ lệ thanh toán nhanh (Quick ratio): Đo lường khả năng thanh toán nhanh chóng của công ty chỉ bằng tài sản ngắn hạn và các khoản đầu tư dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt với công thức:

Tỷ lệ thanh toán nhanh = (Tài sản lưu động – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn

Tỷ lệ thanh toán nợ (Debt ratio): Xác định tỷ lệ giữa tổng nợ và tổng tài sản của công ty. Chỉ số thấp hơn cho thấy công ty có ít nợ hơn so với tài sản. 

Tỷ lệ thanh toán nợ = Tổng tài sản/Nợ phải trả

Nếu tỷ lệ này < 1 báo hiệu rằng vốn chủ sở hữu đang bị hao hụt, tổng tài sản không đủ để trả nợ, doanh nghiệp sắp phá sản. Nếu tỷ lệ > 1 chứng tỏ doanh nghiệp có đủ khả năng trả các khoản nợ hiện tại.

Nhóm các chỉ số đòn bẩy tài chính

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (Debt/Equity):  Đo lường tỷ lệ tài sản của công ty được tài trợ bằng nợ, cho biết mức độ rủi ro liên quan đến cách thức thiết lập và vận hành cấu trúc vốn của Công ty. Thông thường, nếu D/E > 1, có nghĩa là tài sản của công ty được tài trợ chủ yếu bởi các khoản nợ, còn ngược lại thì tài sản của công ty được tài trợ chủ yếu bởi nguồn vốn chủ sở hữu.

Về nguyên tắc, tỷ lệ này càng nhỏ, thì nợ phải trả chiếm tỷ lệ càng nhỏ so với tổng tài sản hay tổng nguồn vốn, công ty ít gặp khó khăn hơn trong tài chính. Ngược lại, tỷ lệ này càng lớn thì công ty càng có khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản.

Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu = Tổng nợ phải trả/Tổng vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ chi trả lãi vay: Thu nhập trước lãi vay và thuế (EBIT) chia cho chi phí lãi vay, đo lường khả năng thanh toán chi phí lãi vay của doanh nghiệp bằng thu nhập hoạt động, đồng thời giúp nhà đầu tư biết được quá khứ và chiều hướng trong khả năng thanh toán doanh nghiệp. Hệ số thanh toán lãi vay càng lớn, thông thường lớn hơn 2 thì khả năng thanh toán lãi nợ vay của doanh nghiệp tích cực hơn và ngược lại.

Nhóm Hiệu quả hoạt động

Tỷ lệ vòng quay tài sản: Doanh thu chia cho tổng tài sản, đo lường mức độ hiệu quả của một công ty đang sử dụng tài sản của mình để tạo ra doanh thu. Vòng quay càng lớn, hiệu quả sử dụng càng cao.

Tỷ lệ vòng quay hàng tồn kho: Giá vốn hàng bán chia cho hàng tồn kho trung bình, đo lường tốc độ bán hàng tồn kho của một công ty.

Ứng dụng báo cáo tài chính vào phân tích đầu tư như thế nào?

Báo cáo tài chính có vai trò quan trọng trong phân tích đầu tư bởi nó cung cấp thông tin chi tiết về hiệu suất tài chính và tình hình kinh doanh của một công ty. Dưới đây là một số cách ứng dụng báo cáo tài chính vào phân tích đầu tư:

  • Đánh giá hiệu suất tài chính: Thông qua đọc hiểu và phân tích thông tin về doanh thu, lợi nhuận, biên lợi nhuận, tỷ suất sinh lời và các chỉ số tài chính khác của doanh nghiệp, điều này giúp đánh giá hiệu suất tài chính của công ty và so sánh với các đối thủ trong ngành.

  • Định giá công ty: Báo cáo tài chính cung cấp thông tin về giá trị tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu của công ty. Dựa trên các chỉ số và phương pháp định giá tài sản, nhà đầu tư có thể định giá công ty và xác định xem liệu cổ phiếu của công ty có đáng giá hay không.

  • Phân tích xu hướng tài chính: Bằng cách phân tích các báo cáo tài chính liên quan trong nhiều giai đoạn, nhà đầu tư có thể nhận biết và đánh giá xu hướng tài chính của công ty. Việc theo dõi sự thay đổi của các chỉ số tài chính theo thời gian giúp xác định sự phát triển và ổn định của công ty.

  • Đánh giá rủi ro: Báo cáo tài chính cung cấp thông tin về cấu trúc tài chính, khả năng thanh toán và khả năng quản lý rủi ro của công ty. Nhà đầu tư có thể sử dụng thông tin này để đánh giá rủi ro đầu tư và quyết định liệu có nên đầu tư vào công ty hay không.

Báo cáo tài chính không chỉ đơn thuần là bộ dữ liệu tài chính, mà là chìa khóa thông tin quý giá giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định thông minh.

Bằng cách phân tích báo cáo tài chính cũng như các tỷ số tài chính quan trọng, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ được khả năng sinh lời, tính thanh khoản, đòn bẩy và hiệu quả của công ty, từ đó đánh giá được hiệu quả tài chính của công ty và đưa ra quyết định đầu tư sáng suốt hơn. BCTC là công cụ mạnh mẽ giúp tối ưu hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực đầu tư.

Hãy sử dụng WiChart để đưa ra quyết định tài chính thông minh và chiến lược dự trên dữ liệu tài chính. Tham khảo khóa học Phân tích Doanh nghiệp ứng dụng đầu tư của WiGroup để phân tích BCTC một cách hiệu quả hơn.