Tính toán chỉ số tài chính ngành là một trong những công cụ quan trọng mà các nhà đầu tư và các nhà quản lý tài chính sử dụng để kiểm tra cơ cấu tài chính, khả năng sinh lời cũng như tiềm năng tăng trưởng của các doanh nghiệp. Bằng việc so sánh chỉ số tài chính của một công ty với các doanh nghiệp cùng ngành hoặc so sánh với chỉ số trung bình ngành, nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu suất và sức khỏe tài chính của công ty đó, từ đó đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn, định hình chiến lược và dự đoán xu hướng thị trường.
Định nghĩa chỉ số tài chính ngành
Chỉ số tài chính ngành là những chỉ số tài chính được sử dụng để đánh giá trung bình một ngành hay một lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp. Chúng cung cấp thông tin cụ thể về tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành, cho phép các nhà đầu tư đánh giá một công ty trước khi đưa ra quyết định đầu tư. Bằng cách so sánh chỉ số tài chính của công ty với những chỉ số tài chính tương ứng của ngành, nhà đầu tư có thể đánh giá hiệu quả hoạt động của công ty này so với mức trung bình của toàn ngành, cũng như nhận định xem công ty có đang vượt trội hay thụ động so với ngành hay không.

Thông tin tài chính ngành trên WiChart
Tầm quan trọng của các chỉ số tài chính ngành khi đầu tư
Đánh giá lại hiệu suất và sức khỏe tài chính của doanh nghiệp
Các chỉ số tài chính ngành cho phép nhà đầu tư so sánh và đánh giá hiệu suất giữa các công ty hoạt động trong cùng một ngành. Chúng cung cấp thông tin về lợi nhuận, doanh thu, tình hình hoạt động và các chỉ số tài chính khác, giúp nhà đầu tư và nhà quản lý doanh nghiệp đánh giá và so sánh hiệu suất cũng như tính ổn định về tài chính của các công ty trong ngành.
Xác định rủi ro và cơ hội đầu tư trong ngành cụ thể
Xác định rủi ro: Việc xem xét các chỉ số tài chính ngành giúp cho nhà đầu tư đánh giá được khả năng chịu đựng rủi ro của mình và xây dựng các chiến lược quản lý rủi ro phù hợp. Đồng thời, chỉ số tài chính cũng cung cấp cơ sở để đánh giá và chọn lọc các tài sản đầu tư có rủi ro thấp và tiềm năng sinh lợi cao.
Đánh giá tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp: Các chỉ số tài chính ngành giúp cung cấp thông tin về xu hướng tăng trưởng cũng như tiềm năng phát triển của ngành. Bằng cách xem xét các chỉ số như doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận tăng trưởng và tỷ suất sinh lợi, nhà đầu tư và nhà quản lý có thể đưa ra những dự báo về tiềm năng tăng trưởng của ngành trong tương lai, từ đó gia tăng cơ hội đầu tư trong ngành cụ thể.
Các chỉ số tài chính ngành quan trọng
Chỉ số thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)
Chỉ số thu nhập trên một cổ phiếu (Earning per Share) là chỉ số tài chính cho biết lợi nhuận mà nhà đầu tư thu lại được trên một cổ phiếu. Chỉ số EPS thể hiện khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp, EPS càng cao thì khả năng sinh lời của công ty càng lớn.
Công thức tính chỉ số EPS
EPS=(Lợi nhuận sau thuế - Cổ tức ưu đãi) / Số cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trên thị trường
Chỉ số EPS cao hơn giá trị trung bình của ngành có thể là một dấu hiệu tích cực cho các nhà đầu tư, tuy nhiên nó nên được xem xét kèm theo một số yếu tố khác khả năng tăng trưởng và ổn định, cơ cấu kinh doanh của công ty trong ngành cũng như kết hợp với các chỉ số tài chính khác như P/E, ROE, ROA và P/B để có cái nhìn tổng thể và khách quan nhất về hiệu suất và giá trị của công ty.
Hệ số giá trên thu nhập (P/E)
Chỉ số giá trên thu nhập (Price to Earning ratio) là chỉ số tài chính cho biết mối quan hệ giữa giá của cổ phiếu trên thị trường và thu nhập trên một cổ phiếu (EPS). Chỉ số này thể hiện số tiền mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra để có được một đồng lợi nhuận từ cổ phiếu.
Công thức tính chỉ số P/E
P/E= Giá cổ phiếu / Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS)
Nếu chỉ số P/E thấp hơn giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty đang được định giá thấp hơn so với lợi nhuận trung bình trong ngành. Điều này có thể được xem là một dấu hiệu tích cực, giúp cho nhà đầu tư xem xét đầu tư vào công ty này. Cổ phiếu có P/E thấp có thể được coi là cơ hội đầu tư nếu công ty có tiềm năng tăng trưởng và tài sản thực tế chưa được đánh giá cao.
Nếu chỉ số P/E gần với giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty này đang được định giá tương xứng với giá trị trung bình của ngành.
Nếu chỉ số P/E cao hơn giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty đang được định giá cao hơn so với lợi nhuận trung bình trong ngành. Điều này có thể xuất phát từ sự kỳ vọng cao hơn từ thị trường về tương lai của công ty hoặc do vị thế của công ty trong ngành

Chỉ số giá/trá trị sổ sách (P/B)
Chỉ số P/B (Price to Book ratio) là chỉ số tài chính được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu so với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. Chỉ số này cho nhà đầu tư biết giá cổ phiếu đang cao hơn hay thấp hơn giá trị ghi sổ tại doanh nghiệp bao nhiêu lần.
Công thức tính chỉ số P/B
P/B= Giá cổ phiếu trên thị trường / Giá trị sách toán trên mỗi cổ phiếu
Nếu chỉ số P/B dưới 1 hoặc thấp hơn giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty có thể đang được định giá thấp hơn so với giá trị sách toán trung bình của ngành.
Nếu chỉ số P/B xấp xỉ 1 hoặc gần giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty này đang được định giá tương xứng với giá trị sách toán trung bình của ngành. Vì thế nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào công ty này nên xem xét sự cạnh tranh, lợi nhuận, và tiềm năng tăng trưởng của công ty so với các đối thủ trong ngành.
Nếu chỉ số P/B lớn hơn 1 hoặc cao hơn giá trị trung bình của ngành, tức là cổ phiếu của công ty có thể đang được định giá cao hơn so với giá trị sách toán trung bình của ngành. Trong trường hợp này, nhà đầu tư cần xem xét kỹ về tình hình tài chính của công ty, khả năng tạo ra lợi nhuận và tương lai tăng trưởng vì có thể cổ phiếu đang được định giá quá cao hoặc có sự kỳ vọng rất lớn từ thị trường.

Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA)
Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (Return on Assets) là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá mức độ hiệu quả trong việc sử dụng tài sản của doanh nghiệp. Chỉ số này cho biết mức độ sinh lời của doanh nghiệp so với tổng tài sản của nó. Nếu chỉ số ROA cao hơn mức trung bình của ngành, có nghĩa là công ty đang có lợi nhuận cao so với lượng đầu tư ít.
Công thức tính chỉ số ROA
ROA= (Lợi nhuận sau thuế / Tổng tài sản ) x 100&

Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE)
Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (Return on Equity) là một chỉ số tài chính quan trọng giúp đánh giá khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Chỉ số này cho biết mức độ sinh lời của doanh nghiệp so với tổng số vốn chủ sở hữu của nó. Tương tự như ROA, chỉ số ROE cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành cũng cho thấy doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả cao.
Công thức tính chỉ số ROE
ROE= (Lợi nhuận sau thuế / Vốn chủ sở hữu) x100%

Các chỉ số tài chính khác
Chỉ số nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E)
Chỉ số D/E (Debt to Equity Ratio) là một chỉ số tài chính thể hiện phần trăm giữa vốn doanh nghiệp huy động từ hoạt động cho vay với khoản vốn chủ sở hữu Nó được sử dụng để đánh giá đòn bẩy tài chính của công ty, đồng thời là thước đo quan trọng để các nhà đầu tư và bản thân doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá năng lực tài chính của mình, phát hiện rủi ro tiềm ẩn, có biện pháp ứng phó kịp thời.
Công thức tính chỉ số D/E
D/E = Nợ phải trả / Vốn chủ sở hữu
Nếu chỉ số D/E dưới 1 hoặc thấp hơn chỉ số trung bình ngành, tức là tỷ lệ nợ thấp hơn phần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp đang quản lý rủi ro từ những khoản nợ khá tốt. Trong trường hợp doanh nghiệp cần thanh toán nợ gấp thì vẫn có đủ năng lực tài chính để ứng phó với khoản nợ này.
Nếu chỉ số D/E lớn hơn 1 hoặc cao hơn chỉ số trung bình ngành, tức là doanh nghiệp đang có khoản nợ nhiều hơn vốn chủ sở hữu, tổ chức cần có kế hoạch để nhìn nhận rủi ro đang gặp phải và tìm cách xử lý thích hợp.
Cách sử dụng chỉ số tài chính ngành trong quá trình đầu tư
Xác định các chỉ số tài chính ngành quan trọng của ngành mà nhà đầu tư quan tâm, chẳng hạn như EPS, P/E, P/B, ROA, ROE và các chỉ số khác.
So sánh các chỉ số tài chính của doanh nghiệp cụ thể tương ứng với giá trị chỉ số tài chính ngành. Dựa vào mối tương quan giữa chúng để xem xét và đánh giá tình hình tài chính và hiệu suất hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc lựa chọn đầu tư còn dựa trên nhiều yếu tố khác, ví dụ như mục đích đầu tư, tình hình kinh tế tổng quan, sự cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường cũng như các tin tức hoặc sự kiện diễn ra trong ngành,...Vì vậy, nhà đầu tư cần cân nhắc sử dụng chỉ số tài chính thông minh, kết hợp với quá trình nghiên cứu, đánh giá về công ty và ngành để đưa ra quyết định phù hợp.
Kết luận
Có thể nói, các chỉ số tài chính ngành có vai trò quan trọng đối với nhà đầu tư và nhà quản lý trong việc đánh giá hiệu suất và sức khỏe tài chính của công ty so với các doanh nghiệp cùng ngành. Tuy nhiên, các chỉ số chỉ mang tính tương đối, để có thể đưa ra quyết định đầu tư thông minh và hiệu quả nhất, nhà đầu tư cần xem xét ngữ cảnh của công ty và ngành, đồng thời kết hợp xem cùng với các chỉ số tài chính khác để có cái nhìn tổng thể nhất về hiệu suất và giá trị của công ty.