Gross Domestic Product (GDP), hay Tổng sản phẩm trong nước, là một trong những chỉ số quan trọng nhất để đánh giá sức khỏe kinh tế của một quốc gia. Trong bài viết này, chúng ta hãy cùng WiGroup tìm hiểu về khái niệm GDP, cũng như những ảnh hưởng mà nó mang lại cho nền kinh tế và mức sống của cộng đồng nhé!
Tìm hiểu GDP là gì?
Theo Tổng cục thống kê, ta có định nghĩa sau:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là giá trị sản phẩm vật chất và dịch vụ cuối cùng được tạo ra của nền kinh tế trong một khoảng thời gian nhất định.
Thông thường, khi nhắc đến GDP ta hiểu rằng GDP là giá thị trường của tất cả hàng hóa và dịch vụ cuối cùng được sản xuất ra của một quốc gia trong một năm. Ngoài ra, GDP là con số phổ biến nhất dùng để đo lường quy mô của một nền kinh tế, và có thể được sử dụng để so sánh mức năng suất giữa các quốc gia khác nhau. Ưu điểm lớn nhất của GDP là việc tính toán thước đo khá thống nhất giữa các quốc gia. Vì vậy, việc so sánh giữa các quốc gia mang lại mức độ chính xác cao. Hơn nữa, GDP cho thấy sự mở rộng hoặc thu hẹp kinh tế và sự tăng trưởng hay suy thoái của một nền kinh tế.
Bản chất của GDP
Để tính toán được GDP, ta cần hiểu rõ những ý nghĩa đằng sau trong các cụm từ trong định nghĩa của nó. Vì thực tế, trong nền kinh tế luôn có nhiều vấn đề phức tạp xảy ra nên việc hiểu rõ bản chất sẽ giúp ta biết được ý nghĩa của chỉ số này rõ hơn.
GDP là chỉ tiêu đo lường tổng giá trị thị trường: GDP cộng rất nhiều loại sản phẩm thành một chỉ tiêu duy nhất về giá trị của hoạt động kinh tế. Và GDP phải sử dụng giá thị trường - biểu thị số tiền mà mọi người sẵn sàng chi trả cho các hàng hoá khác nhau, để phản ánh giá trị của những hàng hoá này.
“Tất cả hàng hoá và dịch vụ”: GDP cố gắng biểu thị một cách đầy đủ tất cả các hàng hóa được sản xuất ra trong nền kinh tế và được bán hợp pháp trên các thị trường, bao gồm cả những hàng hoá hữu hình (thực phẩm, xe hơi, quần áo...) và những dịch vụ vô hình (cắt tóc, khám bệnh, vé xem phim...).
Tuy nhiên, trong thực tế có một số sản phẩm mà GDP bỏ sót do tính toán chúng quá khó khăn. GDP không tính những phẩm được sản xuất ra và bán trong nền kinh tế ngầm. Ví dụ như buôn lậu, buôn hàng cấm hay lao động bất hợp pháp không được tính vào GDP. Hoặc những hoạt động không được đưa ra thị trường cũng vậy, ví dụ là sản xuất và tiêu dùng trong gia đình như dược phẩm tự làm hay rau nhà trồng…
“cuối cùng”: có nghĩa là GDP chỉ tính giá trị của hàng hóa và dịch vụ cuối cùng, không bao gồm giá trị của hàng hoá trung gian. Tuy nhiên, có trường hợp ngoại lệ là khi hàng hoá trung gian được đem vào quá trình sản xuất ra sản phẩm, và sản phẩm này không được đưa ra sử dụng mà đưa vào hàng tồn kho của doanh nghiệp để bán trong tương lai. Trong trường hợp này, giá trị của hàng hoá trung gian được tính vào GDP dưới dạng đầu tư vào hàng tồn kho. Khi hàng hoá trung gian này được sử dụng hoặc bán ra, đầu tư vào hàng tồn kho sẽ giảm, và GDP trong thời kỳ sau sẽ giảm đi một lượng tương ứng.
"được tạo ra": GDP chỉ bao gồm mọi hàng hóa và dịch vụ được sản xuất ra trong thời kỳ hiện tại, và không bao gồm hàng hóa được sản xuất ra trong quá khứ.
"của một nền kinh tế": GDP tính theo phạm vi lãnh thổ kinh tế, thường là một quốc gia.
“trong một thời kỳ nhất định”: GDP phản ánh giá trị sản xuất thực hiện trong một khoảng thời gian cụ thể, thường là một năm hoặc một quý.
Theo như bản chất ở trên, ta có thể thấy GDP còn có một số hạn chế. Vì GDP không phản ánh thị trường ngầm/chợ đen - có thể là một phần lớn của nền kinh tế ở một số quốc gia nhất định. Trong những trường hợp này, GDP có thể không phải là thước đo chính xác về tình trạng kinh tế của một quốc gia.
Ngoài ra, thu nhập được tạo ra ở một quốc gia bởi một công ty nước ngoài thì được chuyển lại cho các nhà đầu tư nước ngoài, chứ không được tính vào GDP quốc gia đó, để tránh phóng đại sản lượng kinh tế nội địa.
GDP thực và GDP danh nghĩa
Như chúng ta đã thấy, GDP đo lường tổng chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ trên tất cả các thị trường trong nền kinh tế. Nếu tổng chi tiêu tăng lên từ năm này sang năm tiếp theo, thì ít nhất một trong hai điều sau đây phải đúng:
(1) nền kinh tế đang sản xuất một sản lượng hàng hóa và dịch vụ lớn hơn, hoặc (2) hàng hóa và dịch vụ đang được bán với giá cao hơn.
Khi nghiên cứu những sự thay đổi trong nền kinh tế theo thời gian, các nhà kinh tế muốn tách bạch hai tác động này. Cụ thể là, họ muốn một thước đo cho tổng sản lượng hàng hóa và dịch vụ mà nền kinh tế đang sản xuất ra nhưng không bị ảnh hưởng bởi những sự thay đổi về giá cả của các hàng hóa và dịch vụ đó. Để giải quyết vấn đề, các nhà kinh tế học đã cho ra hai khái niệm liên quan đến GDP là GDP thực và GDP danh nghĩa, và dưới đây là sự giải thích dễ hiểu về cả hai khái niệm này:
Tìm hiểu về GDP Thực
Khái Niệm: GDP thực đo lường giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một nền kinh tế bằng cách sử dụng giá cố định từ một năm cụ thể trong quá khứ.
Ý Nghĩa: Nó giúp đánh giá sự thay đổi của sản lượng hàng hóa và dịch vụ một cách chi tiết và theo thời gian mà không bị ảnh hưởng bởi sự biến động của giá cả.
Tìm hiểu về GDP Danh Nghĩa
Khái Niệm: GDP danh nghĩa đo lường giá trị sản xuất hàng hóa và dịch vụ của một nền kinh tế bằng cách sử dụng giá hiện hành.
Ý Nghĩa: Nó phản ánh giá trị của sản lượng hàng hóa và dịch vụ dựa trên giá cả thực tế của chúng tại thời điểm hiện tại.
Mục tiêu của chúng ta khi tính toán GDP là nhằm đánh giá xem nền kinh tế tổng thể đang hoạt động như thế nào. Bởi vì GDP thực đo lường sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, cho nên nó phản ánh năng lực của nền kinh tế trong việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân. Vì thế, GDP thực là thước đo phúc lợi kinh tế tốt hơn so với GDP danh nghĩa.
Khi các nhà kinh tế nói về GDP của nền kinh tế, họ thường để cập đến GDP thực chứ không phải GDP danh nghĩa. Và khi họ nói về sự tăng trưởng của nền kinh tế, họ đo lường sự tăng trưởng đó bằng sự thay đổi phần trăm của GDP thực từ thời kỳ này sang thời kỳ.
Các cấu phần của GDP
Thông qua các công thức, ta biết được yếu tố nào sẽ ảnh hưởng đến chỉ số GDP. Hiện nay có 03 cách tính GDP thông dụng nhất được áp dụng sau:
GDP theo phương pháp sản xuất
Xét về góc độ sản xuất, tổng sản phẩm quốc nội chính là tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản của tất cả các ngành kinh tế cộng với thuế sản phẩm trừ đi trợ cấp sản phẩm.
GDP = Giá trị tăng thêm + Thuế nhập khẩu - Trợ cấp sản phẩm
Trong đó, giá trị tăng thêm của từng ngành kinh tế có thể là thu nhập của người sản xuất, tiền công, bảo hiểm, khấu hao tài sản cố định, thuế sản xuất, giá trị thặng dư…
GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng
Xét về góc độ sử dụng hay chi tiêu, GDP bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, tiêu dùng cuối cùng của chính phủ, tích lũy tài sản và chênh lệch xuất – nhập khẩu của một đất nước.
GDP = C + I + G + NX
C: Tổng giá trị tiêu dùng cho sản phẩm và dịch vụ của các hộ gia đình trong quốc gia đó
I: Tổng giá trị tiêu dùng của các nhà đầu tư
G: Tổng giá trị chi tiêu của chính phủ
NX: Xuất khẩu ròng
Ví dụ: nếu một quốc gia báo cáo 5 nghìn tỷ đô la tiêu dùng tư nhân, 10 nghìn tỷ đô la tổng đầu tư, 4 nghìn tỷ đô la đầu tư của chính phủ, xuất khẩu 2 nghìn tỷ đô la hàng hóa và nhập khẩu 1 nghìn tỷ đô la, GDP danh nghĩa của quốc gia đó sẽ là:
GDP = 5 + 10 + 4 + (2 - 1) = 20
GDP sẽ là 20 nghìn tỷ USD.
GDP theo phương pháp thu nhập
Phương pháp tính GDP dựa trên thu nhập cho rằng rằng tất cả các chi tiêu trong một nền kinh tế bằng tổng thu nhập được tạo ra bởi việc sản xuất tất cả các hàng hóa và dịch vụ, gồm tổng thu nhập tạo nên từ các yếu tố tham gia vào quá trình sản xuất như lao động, vốn, đất đai, máy móc. Theo phương pháp này, tổng sản phẩm trong nước gồm 4 yếu tố: thu nhập của người lao động từ sản xuất (bằng tiền và hiện vật quy ra tiền), thuế sản xuất (đã giảm trừ phần trợ cấp cho sản xuất), khấu hao tài sản cố định dùng trong sản xuất và thặng dư/ thu nhập hỗn hợp.
GDP = W + R + I + Pr + Ti + De
W: Tiền lương
R: Tiền thuê
I: Tiền lãi
Pr: Lợi nhuận
Ti: Các khoản thuế dịch vụ, hàng hóa bán trên thị trường và trợ cấp của chính phủ cho sản xuất (thuế gián thu ròng).
De: Khấu hao tài sản cố định
Ảnh hưởng của GDP đến mức sống dân cư
GDP là một chỉ số quan trọng để đo lường sức mạnh kinh tế của một quốc gia và cung cấp thông tin về tình trạng kinh tế của quốc gia đó. GDP cũng cung cấp thông tin về tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó và là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả của chính sách kinh tế của một quốc gia. GDP cũng giúp các nhà đầu tư, doanh nhân và chính trị gia đưa ra quyết định đầu tư và kinh doanh.
GDP cũng có vai trò là thước đo quan trọng trong việc đánh giá sức mạnh kinh tế của một quốc gia và tác động của nó đối với mức sống của người dân. GDP, không chỉ là một chỉ số đơn thuần về kích thước của nền kinh tế, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến chất lượng sống dân cư. Khi tăng trưởng GDP mạnh, các công ty thuê nhiều lao động hơn và có đủ khả năng trả lương cao hơn, dẫn đến người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn vào hàng hóa và dịch vụ.
Việc này tạo ra cơ hội việc làm mà còn ảnh hưởng tích cực đến thu nhập hộ gia đình, mức thu nhập trung bình cũng tăng lên. Cùng với đó, mức GDP cao tạo điều kiện cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cung cấp tiện ích và dịch vụ xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống. Điều này đồng thời kích thích đổi mới và tiến bộ công nghệ, tăng cường năng suất và khả năng cạnh tranh toàn cầu, tạo ra một môi trường ổn định và bền vững cho sự phát triển.
Tăng trưởng của GDP thường là một dấu hiệu tích cực cho sự phát triển kinh tế và xã hội, tuy nhiên, nó chưa thể hiện đầy đủ để hiểu hết về chất lượng cuộc sống của dân cư. Chỉ riêng chỉ số GDP cao vẫn chưa chắc chắn được rằng mức sống của người dân sẽ cao. Vì mức sống còn phụ thuộc vào cách thu nhập được phân phối và những yếu tố như giáo dục, y tế, an ninh xã hội và môi trường sống.
Thêm vào đó, kích thước dân số và sự chênh lệch giữa các nhóm dân cư cũng ảnh hưởng đến tính chính xác của GDP trong việc phản ánh mức sống của từng cá nhân. Vậy nên, sự phân bổ tài sản một cách hợp lí và sự phát triển toàn diện trên nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống là những yếu tố then chốt để đảm bảo rằng tăng trưởng kinh tế sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người dân.
Kết luận
Tóm lại, GDP không chỉ là một con số, mà là một chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe toàn diện của một nền kinh tế. Qua bài viết này, chúng ta hiểu rõ hơn về định nghĩa của GDP và cách nó ảnh hưởng đến cả nền kinh tế và mức sống dân cư. Việc duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường là chìa khóa để xây dựng một tương lai bền vững và phồn thịnh.
Truy cập WiChart ngay bây giờ và trở thành nhà đầu tư thông thái với dữ liệu tài chính tin cậy.
Xem thêm: