Định giá doanh nghiệp là một khái niệm quen thuộc thường được nhắc đến trong đầu tư. Về cơ bản, định giá doanh nghiệp là xác định được giá trị nội tại của doanh nghiệp đó. Giá trị ấy không chỉ đơn thuần là giá trị vốn chủ sở hữu; mà là giá trị của tất cả các tài sản sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá trị nội tại của doanh nghiệp không gắn với giá hiện tại của nó, vậy nên, khi xác định được giá trị nội tại, nhà đầu tư có thể xác định được doanh nghiệp có đang được định giá cao hay thấp hơn so với giá thị trường của nó.
Định giá doanh nghiệp có thể được coi là 1 quá trình rất phức tạp và cần phải suy xét tới nhiều yếu tố, khía cạnh. Các nhà đầu tư có thể bị choáng ngợp trước lượng kiến thức được dùng để định giá doanh nghiệp (tài chính của công ty, thông tin báo chí,...).
Vì vậy, nhà đầu tư cần khôn ngoan và biết cách lọc cũng như ứng dụng các chỉ số tài chính để giúp cho việc định giá doanh nghiệp trở nên dễ dàng và chính xác hơn.
1. Định giá doanh nghiệp thì xem chỉ số gì?
1.1. Price-to-Earnings Ratio (P/E Ratio)
Chỉ số giá trên lãi suất, nhằm đánh giá mối quan hệ giữa giá thị trường với thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS). Chỉ số này phản ánh mức giá mà 1 người sẵn sàng bỏ ra cho 1 đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu. Như vậy, với chỉ số này, ta có thể biết được thị trường đang định giá cổ phiếu của công ty ở mức giá như thế nào so với thu nhập của nó.
Tỷ lệ P/E = giá cổ phiếu (Price) / thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS)
1.2. Price-to-Book Ratio (P/B Ratio)
Chỉ số giá trên giá trị sổ sách, phản ánh mối quan hệ giữa giá thị trường với giá trị ghi sổ của cổ phiếu. Chỉ số này cho chúng ta biết giá cổ phiếu đang cao hơn hay thấp hơn giá trị ghi sổ tại doanh nghiệp bao nhiêu lần.
So với chỉ số P/E, thì chỉ số P/B có độ ổn định hơn hẳn và hữu hiệu nhất khi sử dụng để định giá những doanh nghiệp có nhiều tài sản với khả năng thanh khoản cao như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, công ty đầu tư do hiệu quả quản lý giữa tài sản và nguồn vốn huy động càng cao thì mức độ sinh lời càng cao. Ngược lại, chỉ số này không phù hợp để định giá cổ phiếu của các công ty dịch vụ – nơi mà tài sản vô hình như con người, độ trung thành của khách hàng… rất khó để định lượng.
Tỷ lệ P/B = giá trị thị trường của cổ phiếu (Price) / Giá trị sổ sách của cổ phiếu
Trong đó:
● Giá thị trường là giá đóng cửa tại phiên gần nhất của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán
● Giá trị ghi sổ được xác định bằng: (Tổng giá trị tài sản – Tài sản cố định vô hình – Nợ phải trả) / Số lượng cổ phiếu đang lưu hành
1.3. Enterprise Value to Earnings Before Interest and Taxes (EV/EBIT)
Giá trị doanh nghiệp trên thu nhập trước thuế và lãi vay (EBIT), là chỉ số so sánh giá trị tương đối của các doanh nghiệp khác nhau trong cùng hoặc khác ngành. Chỉ số này giúp nhà đầu tư biết được thời gian để bù đắp các chi phí từ việc mua lại doanh nghiệp trong điều kiện EBIT không đổi. Do đó giá trị EV/EBIT càng thấp sẽ càng tốt cho các nhà đầu tư.
EV/EBIT = (Vốn hoá thị trường + Tổng nợ – Tiền và các khoản tương đương tiền) / (Thu nhập sau thuế + Thuế thu nhập doanh nghiệp + Chi phí lãi vay)
1.4. Price Earnings to Growth (PEG)
Chỉ số so sánh giữa P/E (Price to Earnings ratio) với EPS (EPS Growth Rate) – tốc độ tăng trưởng thu nhập của cổ phiếu. Trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán, PEG được sử dụng để định giá cổ phiếu dựa trên tốc độ tăng trưởng thu nhập từ cổ phiếu đó. PEG giúp các nhà đầu tư tìm kiếm các cổ phiếu đang bị thị trường định giá thấp để xem xét đầu tư.
PEG = P/E / Tốc độ tăng trưởng thu nhập EPS (G)
1.5. Free cash flow to the firm (FCFF)
Dòng tiền được tạo ra từ hoạt động kinh doanh thuộc về các nhà đầu tư, bao gồm cả chủ nợ và chủ sở hữu sau khi trừ đi những khoản đầu tư cần thiết (vốn đầu tư vào tài sản cố định và vốn lưu động thường xuyên) cho các hoạt động kinh doanh trong tương lai. Về cơ bản, đây là thước đo lợi nhuận của công ty sau khi tính đến tất cả các chi phí và nhu cầu tái đầu tư. Đây là một trong những chuẩn đối sánh được sử dụng để so sánh và phân tích sức khỏe tài chính của một công ty.
FCFF = [EBIT(1-t%) + Khấu hao] - [Đầu tư mới vào tài sản cố định + Thay đổi vốn lưu động]
Trong đó:
● FCFF: Dòng tiền thuần của doanh nghiệp
● EBIT: Lợi nhuận trước thuế và lãi vay
2. Tầm quan trọng của việc ứng dụng chỉ số tài chính trong định giá doanh nghiệp
Chỉ số tài chính cung cấp thông tin quan trọng giúp nhà đầu tư hoặc các bên liên quan đánh giá mức độ khả thi và lợi ích của việc đầu tư vào doanh nghiệp, cũng như so sánh hiệu suất tài chính của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh hoặc trong cùng ngành công nghiệp. Từ đó, nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định về việc đầu tư vào doanh nghiệp hoặc không. Việc ứng dụng chỉ số tài chính trong định giá doanh nghiệp có những điều quan trọng sau:
Đánh giá giá trị thực: Chỉ số tài chính giúp xác định giá trị thực của doanh nghiệp dựa trên thông tin tài chính khách quan. Điều này giúp định giá công bằng và đáng tin cậy.
Đo lường hiệu suất tài chính: Chỉ số tài chính như ROE, ROA, và ROS cho phép đánh giá hiệu suất tài chính của doanh nghiệp. Điều này giúp nhìn thấy khả năng sinh lời, sự tăng trưởng và khả năng quản lý rủi ro của doanh nghiệp.
Phân tích sức khỏe tài chính: Chỉ số tài chính giúp phân tích sức khỏe tài chính của doanh nghiệp bằng cách đo lường khả năng thanh toán, cấu trúc vốn, và lưu chuyển tiền tệ. Điều này giúp xác định mức độ ổn định và bền vững của doanh nghiệp.
So sánh với các đối thủ cạnh tranh: Chỉ số tài chính cho phép so sánh hiệu suất và giá trị của doanh nghiệp với các đối thủ cạnh tranh. Điều này giúp nhìn thấy vị thế cạnh tranh và định hướng phát triển của doanh nghiệp.
Hỗ trợ quyết định đầu tư: Việc ứng dụng chỉ số tài chính trong định giá doanh nghiệp cung cấp thông tin quan trọng cho quyết định đầu tư. Các nhà đầu tư và người quản lý có thể sử dụng thông tin này để đưa ra quyết định thông minh về mua, bán hoặc đầu tư vào doanh nghiệp.
Hy vọng qua bài viết trên từ WiGroup, bạn có thể nắm bắt được một vài chỉ số quan trọng trong việc định giá doanh nghiệp để đầu tư.